Thế nào mới đúng là lì xì?

(PLO)- Bản chất của tục lệ lì xì là tiền mừng tuổi, nếu thay tiền bằng bất kỳ một vật nào khác cũng không phải là lì xì...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lì xì là một tục lệ được diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán, cho đến nay nhiều người vẫn chưa biết lì xì bắt nguồn từ đâu và lì xì như thế nào mới gọi là đúng theo tục lệ.

Mọi người nghĩ thế nào là lì xì?

Chị Như Ý, ngụ Vĩnh Long chia sẻ theo quan điểm của chị lì xì là phong tục bao đời nay mỗi khi Tết đến xuân về. Lì xì thể hiện sự chúc mừng khi bước sang tuổi mới.

“Bên cạnh mừng tuổi theo tôi nó còn mang ý nghĩa may mắn cho người được nhận lì xì. Bởi tiền lì xì được để vào phong bì đỏ, đó đã là thể hiện cho sự may mắn” - chị Ý nói.

IMG_4343.jpeg
Chị Như Ý cùng con trai. Ảnh: KIỀU ANH

Chị Hải Yến, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM cũng chia sẻ: “Lì xì không nhất thiết chỉ dành cho trẻ em mà theo tôi lì xì dành cho cả người lớn. Lì xì là cách mà mọi người chúc mừng một năm mới với nhau”.

Anh Thanh Bình, ngụ Gò Vấp cũng cho biết, lì xì là một điều gì đó rất quan trọng, hân hoan vào mỗi dịp Tết Nguyên đán.

“Tôi không nặng nề tiền lì xì phải nhiều hay ít, thực tế nó chỉ là một trong những cách thể hiện tình cảm cho nhau, chúc những điều tốt lành cho nhau ngày Tết. Thông thường tôi chỉ lì xì độ khoảng 20.000 - 50.000 đồng” - anh Bình nói.

Khác quan điểm với anh Bình, chị Bảo Trân, ngụ Tân Phú lại cho rằng bản thân rất ngại khi chỉ lì xì số tiền nhỏ. Chị Trân cho hay: “Thường thì tôi sẽ mừng cho trẻ nhỏ từ 100.000 - 200.000 đồng, người lớn tuổi trong gia đình thì 200.000 - 500.000 đồng. Tiền lì xì không có quy chuẩn chung, do đó tuỳ theo kinh tế và tấm lòng của mình thôi”.

IMG_4084.jpeg
Dù rằng mỗi người sẽ có quan niệm khác nhau về lì xì. Thế nhưng, chung quy lì xì vẫn là một tục lệ không thể thiếu vào ngày Tết. Ảnh: HUỲNH THƠ

Lì xì thế nào là đúng?

Trao đổi với PV, TS Trần Long, nguyên giảng viên, Trưởng Bộ môn Văn hoá Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM cho biết lì xì có ý nghĩa là hồng bao, là một tên gọi của tục lệ người lớn hơn mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông. Tục lệ này xuất xứ từ Trung Quốc thời xa xưa, đó là tục lệ đặt tiền vào chiếc phong bì có trang trí màu đỏ hoặc vàng son rực rỡ để mừng trẻ em có thêm tuổi mới.

IMG_3245.jpeg
Lì xì là tục lệ đặt tiền vào chiếc phong bì có trang trí màu đỏ hoặc vàng son rực rỡ... Ảnh: HUỲNH THƠ

“Lì xì có nhiều cách hiểu, theo người Hoa thì lì xì là tiền mừng tuổi, thường tiền này sẽ dành tặng cho trẻ con. Vì trẻ con đang trong quá trình phát triển, khi chúng bước sang năm mới là thêm một tuổi nên phải được mừng. Hơn nữa, trẻ con thích được quà, thích được niềm vui, lì xì dù chỉ là tiền mừng tuổi nhỏ thôi nhưng lại tạo cho chúng một niềm vui khích lệ.

Từ đó, gia đình cũng tạo ra áp lực để giáo dục cho chúng, thêm một tuổi là phải học thế này, phải trưởng thành thế này… Đó là nhân văn của tiền mừng tuổi chứ không phải là cho không. Mặc dù tiền rất ít nhưng đánh vào tâm lý nhiều hơn vật chất”, TS Trần Long nói.

TS cho biết thêm, thay vì ngày trước lì xì là tiền mừng tuổi trẻ em thì nay những người lớn tuổi cũng được lì xì với mong muốn có thêm niềm vui để sống lâu. Mặt khác, cũng là sự quan tâm của những người thân trong gia đình dành cho người già, người lớn tuổi.

“Theo thời gian, lì xì cũng dần trở nên biến tướng với nhiều hình thức. Có người thay vì lì xì tiền thì họ tặng sách, vở,... Nhưng không, đó không phải là lì xì. Chúng ta có thể tặng sách, vở vào dịp đầu năm học hay tặng các món quà khác vào bất kì dịp nào, nhưng Tết thì phải lì xì tiền, nếu tặng đồ vật thì không phải lì xì.

Bản chất của tục lệ lì xì là tiền mừng tuổi, chính vì thế nếu thay tiền bằng bất kỳ một vật nào khác dù cho vật đó có giá trị hoặc không có thì đó vẫn xem là một dạng biến tướng”, TS Trần Long nói.

Đồng thời, cũng theo TS, nhiều người hiện nay xem tục lì xì như một công cụ để “lấy lòng”, kinh doanh, thậm chí “hối lộ”. Họ sẵn sàng lợi lì xì, cho vào phong bì rất nhiều tiền để đổi chát một vụ lợi.

Thực tế, không có một quy chuẩn, quy ước chung nào để đo đạc, đong đếm tiền lì xì nhưng theo đúng tục lệ lì xì thì tiền mừng tuổi chỉ là một số tiền nhỏ, nhận số tiền nhỏ đó để có thêm niềm vui chứ không phải là một cuộc giao dịch nhiều tiền.

“Tóm lại, lì xì vào ngày Tết là tiền mừng tuổi, lì xì dành cho trẻ con và nay cũng dành cho người lớn tuổi. Tiền lì xì là một số tiền nhỏ, vừa đủ để mừng tuổi. Không nên lợi dụng lì xì để làm những việc không đúng hoặc khiến lì xì trở nên biến tướng, dần mất đi ý nghĩa vốn có”, TS Trần Long bày tỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm