Vi phạm giao thông và xử lý các hành vi vi phạm giao thông luôn là vấn đề được các cấp chính quyền quan tâm, đặc biệt là ở các đô thị lớn như TP.HCM.
Rất nhiều đề xuất đã được đưa ra
Đã có nhiều ý kiến, đề xuất, giải pháp khác nhau được nêu ra để giải quyết tình trạng vi phạm trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt là vi phạm giao thông đường bộ. Có thể kể đến giải pháp nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, bắt buộc lao động công ích… Những ý kiến, đề xuất đó đã nhận được sự quan tâm lớn của công chúng.
Các ý kiến đồng tình với những đề xuất mới cũng nhiều nhưng ý kiến quan ngại, phản bác cũng không ít. Thực tế dù là biện pháp nào cũng có những mặt thuận lợi và cả hạn chế của nó. Đặc biệt với các giải pháp chưa thực hiện bao giờ thì sự lo ngại lại càng lớn.
Ví dụ như việc tăng mức xử phạt, một mặt có thể tăng hiệu quả răn đe, đặc biệt là đối với các đối tượng cố tình vi phạm nhưng mặt khác lại có nguy cơ tăng số lượng quyết định xử phạt không thi hành được do đối tượng vi phạm không có khả năng thi hành quyết định xử phạt, người vãng lai, không có nơi cư trú ổn định, tăng thêm áp lực giải quyết công việc sự vụ cho các cơ quan. Đơn cử như ở cấp huyện, tỉnh vốn đã quá tải nay lại càng quá tải do phải xử lý những vấn đề phát sinh do quyết định xử phạt không thi hành được.
Biện pháp xử phạt là bắt buộc lao động công ích được cho là vừa có thể tăng hiệu quả răn đe khi biện pháp này nhắm vào việc tác động đến đối tượng vi phạm thông qua hiệu quả xã hội, vừa giải quyết được tình trạng không tổ chức thi hành xử phạt được vì lý do kinh tế. Tuy nhiên, đề xuất này vướng một cái khó lớn là vấn đề tổ chức thực hiện.
CSGT lập biên bản một trường hợp vi phạm giao thông đường bộ. Ảnh: HTD
Kết hợp nhiều biện pháp từng bước
Để giải quyết vấn đề này cần sự kết hợp của nhiều biện pháp với những bước đi phù hợp. Một mặt, phương án tăng mức xử phạt tiền đối với hành vi vi phạm vẫn cần được nghiên cứu một cách toàn diện và phải tính đến việc tăng mức xử phạt vi phạm đồng bộ với việc tăng thẩm quyền xử phạt. Phải làm sao cho các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở hoàn toàn có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm đơn giản, rõ ràng, tránh việc phải chuyển hồ sơ lên cấp trên.
Bên cạnh đó, phải nghiên cứu các hình thức xử lý khác chứ không chỉ là phạt tiền, trong đó đặc biệt quan tâm đến biện pháp bắt buộc lao động công ích.
Để thực hiện được điều này, cần có cơ sở pháp lý được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính phải bổ sung thêm các hình thức xử lý vi phạm mới.
Tuy nhiên, nhằm tránh việc các cơ quan, các cấp chính quyền gặp khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng các biện pháp xử lý mới ngoài biện pháp phạt tiền nên có cơ chế, quy định cho phép áp dụng các biện pháp xử phạt linh hoạt. Tùy điều kiện về kinh tế-xã hội và điều kiện quản lý cũng như tình hình vi phạm của từng nơi mà cho phép các địa phương lựa chọn áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Trước mắt, có thể cho phép áp dụng thí điểm ở một số nơi có đủ điều kiện để có những đánh giá toàn diện về hiệu quả, cách thức tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, hoàn chỉnh và mở rộng việc áp dụng biện pháp xử phạt bằng hình thức bắt buộc lao động công ích.
Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 đã đưa ra quy định buộc người vi phạm hành chính lao động công ích, phục vụ cộng đồng. Theo đó, buộc lao động công ích chỉ áp dụng đối với vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông (không áp dụng đối với người dưới 15 tuổi, trên 55 tuổi đối với nữ và trên 60 tuổi đối với nam); thời gian lao động tối đa 30 tiếng và không được trả công. Tuy nhiên, khi luật này được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012 đã không có quy định này. |