Nóng trong tuần

Thêm nhiều chính sách hỗ trợ sẽ tăng người tham gia BHXH

(PLO)- Những chính sách về trợ cấp thai sản; giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội… không chỉ giúp tăng người tham gia BHXH mà còn giảm tình trạng rút BHXH một lần.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, thông tin về dự thảo Luật BHXH được cơ quan soạn thảo tiếp tục đề xuất bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện, người cao tuổi, người khó khăn… đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Một số bạn đọc cho rằng đây là chính sách rất cần thiết, không những hỗ trợ người khó khăn, người cao tuổi mà còn góp phần hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

P10_Du-thao-luat-BHXh_6-4.jpg
Người dân đến cơ quan BHXH quận 3, TP.HCM thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Cần nâng mức trợ cấp thai sản của người đóng BHXH

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, có bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện với mức 2 triệu đồng cho một con khi sinh. Với mức đề xuất này, một số bạn đọc cho rằng thấp và cần được nâng lên.

Chị THN (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết trước đây chị đi làm công nhân và có tham gia BHXH bắt buộc tại công ty. Tuy nhiên, làm việc được một thời gian thì chị nghỉ việc, về nhà mở tiệm tạp hóa nhỏ bán để tiện chăm sóc gia đình.

Để có thể tiếp tục tham gia BHXH, hằng tháng chị đã trích hơn 1 triệu đồng tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn về già có lương hưu. Đồng thời, theo chị đây cũng là số tiền tích lũy nếu chẳng may bị bệnh có thể rút ra sử dụng.

Chị N cho biết những người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ tử tuất, nếu chẳng may qua đời khi chưa tới tuổi hưởng lương hưu hoặc nhận BHXH một lần nếu không muốn đóng nữa. Còn những chế độ khác như thai sản, ốm đau không giống như người BHXH bắt buộc. Khi dự thảo đề xuất người tham gia BHXH tự nguyện có thể hưởng chế độ thai sản, chị thấy rất cần thiết.

Tuy nhiên, mức đề xuất hỗ trợ 2 triệu đồng/trường hợp là thấp. Cơ quan soạn thảo nên điều chỉnh theo mức đóng BHXH hằng tháng hoặc bằng với mức lương tối thiểu vùng.

Tương tự, chị TCD (ngụ quận Gò Vấp) cũng có ý kiến: Đối với chế độ trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện thì ngoài việc hỗ trợ một lần, cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm chế độ như hỗ trợ đóng BHYT cho các thai phụ trong suốt quá trình thai kỳ và sinh con. Có như thế, BHXH tự nguyện mới thực sự thu hút lao động tự do trong độ tuổi tham gia.

Đối với một số người lớn tuổi, không có lương hưu là họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính vì thế, việc giảm tuổi hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội là điều cần thiết.

Giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí là cần thiết

Theo Điều 20 dự thảo Luật BHXH sửa đổi, về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì tuổi nhận chế độ hưu trí xã hội là 75, giảm năm tuổi so với quy định hiện hành là 80. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bổ sung thêm đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi, thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Bạn đọc Thành Nhân ý kiến: “Hiện nay, chính sách an sinh xã hội như trợ cấp BHXH, trợ giúp xã hội vẫn chưa bao phủ. Ngoài ra, theo quy định mốc 80 tuổi mới được hưởng mức trợ giúp xã hội, điều này dẫn đến một nhóm đối tượng đã hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu, chưa nhận được hỗ trợ an sinh. Đối với một số người lớn tuổi, không có lương hưu là họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Chính vì thế, việc giảm tuổi hưởng chế độ trợ cấp hưu trí xã hội là điều cần thiết”.

“Theo tôi, việc giảm tuổi trợ cấp hưu trí xã hội là hợp lý. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất là việc giảm tuổi xuống thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người thuộc đối tượng được hưởng. Việc này cần phải có nguồn kinh phí để chi hỗ trợ và Quỹ BHXH có được cân đối hợp lý?” - bạn đọc Hạnh Nguyễn băn khoăn.

Bạn đọc Thái Hòa nêu: “Theo tôi, để các chính sách BHXH được thực hiện tốt và đảm bảo quyền lợi của người tham gia thì ngành BHXH cần phải có kế hoạch triển khai BHXH toàn dân. Tất cả người dân trong độ tuổi lao động phải tham gia BHXH để có nguồn quỹ tốt”.•

Hai phương án rút BHXH một lần

Đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận một lần, dự thảo luật trình Quốc hội đưa ra hai phương án.

Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng, không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Còn người lao động tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được rút BHXH một lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào hai quỹ Hưu trí và Tử tuất.

Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của BHXH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm