Thi ĐH khối A 2010: Điểm chuẩn sẽ bằng năm trước

Tùy theo từng trường, điểm chuẩn vào ĐH khối A sẽ tương đương hoặc thấp hơn điểm chuẩn năm 2009 từ 0,5 đến 1 điểm.

Ngày 5-7, ngay sau khi kết thúc ba môn thi (toán, lý, hóa) khối A, báo Pháp Luật TP.HCM đã gặp gỡ, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia luyện thi, chấm thi phân tích, đánh giá đề thi năm nay.

Đề thi khó hơn những năm trước…

Với đề toán, ý kiến của chuyên gia cho rằng sẽ có đến khoảng 60% chỉ làm bài được 2 đến 3 điểm, vì đề thi môn toán tương đối khó.

Dự đoán điểm trung bình của môn toán khối A, Thạc sĩ Nguyễn Duy Hiếu, Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, cho biết thí sinh có thể làm khá nhiều câu trong đề nhưng chắc chắn làm không trọn vẹn, thiếu các bước trong quá trình giải. Ngoài 70% kiến thức lớp 12 đề thi còn yêu cầu nắm vững kiến thức lớp 10 và 11 mới giải quyết trọn vẹn. Vì vậy môn toán năm nay so với mọi năm khó đạt điểm cao, sẽ rất hiếm thí sinh đạt điểm 10.

Thạc sĩ Phạm Hồng Danh, giảng viên chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dự đoán: “Với riêng môn toán, đề thi năm nay khá khó, thí sinh sẽ dễ bị mất điểm nếu quên đặt điều kiện khi bình phương hai vế của bất phương trình chứa căn, quên loại nghiệm so với điều kiện đã đặt ban đầu, hoặc khi tính toán khâu trung gian sai thì không chấm tiếp phần sau (nghĩa là phần trên giải sai một lần, phần dưới sai một lần nữa nhưng sai hai lần thành ra kết quả đúng cũng không chấm điểm)…” - ông Danh nói và cũng dự đoán điểm sàn khối A năm nay chỉ ở mức 12 điểm, thấp hơn 1 điểm so với những năm trước.

Thi ĐH khối A 2010: Điểm chuẩn sẽ bằng năm trước ảnh 1

Thí sinh thở phào nhẹ nhõm sau khi kết thúc kỳ thi tại Hội đồng thi Lê Quý Đôn, quận 11, TP.HCM. Ảnh: HTD

Giảng viên Nguyễn Hồng Nghĩa (Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực ĐH Quốc gia TP.HCM) dự báo kết quả điểm thi khối A năm nay sẽ ngang với điểm thi năm 2009 và sẽ không làm ảnh hưởng đến điểm chuẩn của khối thi này.

Môn lý sẽ hiếm điểm 10

Với môn vật lý, thầy Ngô Văn Thành, Tổ trưởng tổ Lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, nhận định đề thi lý khối A năm nay tương đối khó hơn các năm trước. Câu hỏi lý thuyết chỉ chiếm 20%-25%, còn lại là bài tập nên đòi hỏi thí sinh mất nhiều thời gian tính toán. Đề thi có nhiều câu dạng suy luận nên để làm tốt đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức vật lý. Do đó, đa số thí sinh không làm hết được. Không nhiều khả năng năm nay có điểm 10.

PGS-TS Lê Văn Hiếu, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng đề thi môn toán và lý năm nay khó, nhất là đề môn lý. “Theo cấu trúc đề thi thì câu hỏi lý thuyết và bài tập phải là 50-50, chứ như đề thi năm nay lý thuyết chỉ chiếm khoảng 25% thì quá ít, thí sinh phải làm bài tập, phải tính toán nhiều trong khi thời gian không cho phép. Có lẽ do quy định câu hỏi lý thuyết không được trùng lắp đề cũ, đề dự bị… nên năm nay “hết hàng” và thí sinh phải tính toán nhiều hơn?” - ông Hiếu nói.

Theo giảng viên Trần Quang Phú (TP.HCM) đề thi trắc nghiệm môn vật lý năm nay là đề thi có độ khó cao nhất kể từ giải phóng đến nay. Theo đó, số câu lý thuyết ra trong đề thi tương đối ít (chiếm khoảng 30%), còn số câu bắt thí sinh tính toán thì dài và khó (số câu khó chiếm tới hơn 30% đề thi). Nhìn chung sẽ có nhiều thí sinh làm không kịp hoặc phải đánh lụi.

Điểm chuẩn sẽ không thể thấp hơn

Theo Thạc sĩ Đặng Văn Thành (giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), kể từ năm 2007 đến nay, đối với đề thi ĐH môn hóa (được thi theo hình thức trắc nghiệm) ra hằng năm cho thấy độ khó của đề thi của năm sau càng khó hơn năm trước. Mặt khác, mức độ rèn luyện, trau dồi kiến thức và kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm của thí sinh càng ít đi. Chính vì vậy, mặt bằng điểm thi môn hóa của thí sinh năm nay sẽ không cao hơn so với năm 2009.

Thạc sĩ Đặng Văn Thành dự báo: “Mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT năm nay công bố sẽ tương đương năm 2009 (điểm sàn năm 2009 khối A là 13 điểm). Nhưng chắc chắn điểm chuẩn trúng tuyển vào khối A của các trường ĐH công lập sẽ lấy mức tương đương hoặc thấp hơn điểm chuẩn của năm 2009 từ 0,5 đến 1 điểm”.

Theo ông Hiếu, dù đề thi có khó, dù điểm thi có thấp thì mức điểm sàn khối A hằng năm là 13 đã là quá thấp và không thể hạ được nữa. “Thí sinh không đủ điểm thì đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 vào CĐ hoặc học nghề. Đề thi năm nay sẽ phân hóa rõ trình độ thí sinh, thực lực của thí sinh sẽ quyết định vào kết quả thi công bố vào khoảng cuối tháng 7 này”.

Tương tự, Tiến sĩ Ngô Thiện, Trưởng khoa Khoa học cơ bản Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng: “Theo tôi dự báo điểm sàn vào ĐH do Bộ GD&ĐT quy định sẽ ngang bằng với điểm sàn năm 2009. Còn mức điểm chuẩn vào ĐH khối A các trường ĐH công lập năm nay sẽ không cao hơn năm 2009”.

Điểm chuẩn phụ thuộc đề thi, lượng thí sinh, trình độ thí sinh

Theo số liệu của Pháp Luật TP.HCM, số thí sinh dự thi thực tế năm 2008 là 618.994, đến năm 2009 có 638.192 và năm nay có 653.532 thí sinh. Mặc dù thí sinh tăng hằng năm nhưng điểm sàn khối A vẫn không thay đổi. Tính từ năm 2005 đến nay thì năm 2009, 2008 và 2006 là 13, còn năm 2005 và 2007 là 15. Theo các chuyên gia tuyển sinh, điểm sàn, điểm chuẩn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đề thi và trình độ của thí sinh. Một nguyên tắc bất di bất dịch là để thi dễ thì điểm chuẩn tăng, đề thi khó thì điểm chuẩn sẽ giảm. Cũng như vậy, như có một “quy luật ngầm”, nếu năm nay trường này có số thí sinh dự thi tăng thì điểm chuẩn sẽ tăng và năm sau chắc chắn số thí sinh dự thi sẽ giảm.

104 thí sinh bị kỷ luật

Cuối buổi sáng qua (5-7), các thí sinh thi khối A và V đã hoàn tất ba môn thi. Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thi tuyển sinh 2010, Bộ GD& ĐT, cho biết: Mặc dù thời tiết quá khắc nghiệt, nhất là miền Bắc luôn ở nhiệt độ 40oC nhưng kỳ thi vẫn diễn ra an toàn, nghiêm túc. Trái với tâm trạng lo lắng chiều qua vì cho rằng đề thi vật lý vừa dài vừa khó, nhiều sĩ tử đã thở phào nhẹ nhõm vì đề thi hóa vừa sức. Sau ba môn thi, cả nước có 104 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó 18 khiển trách, năm cảnh cáo và 81 đình chỉ thi (so với năm 2009 giảm một trường hợp). Lỗi chủ yếu vẫn do mang điện thoại di động vào phòng thi.

Q.VIỆT - T.NHƯ

Thi đợt hai: Phải phổ biến kỹ quy chế thi

Chiều 5-7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã có công điện gửi chủ tịch hội đồng tuyển sinh đợt thi thứ hai sẽ tổ chức vào ngày 9 và 10-7 tới.

Theo đó, cán bộ coi thi không tự ý giải thích bất cứ nội dung gì có liên quan đến đề thi; phổ biến kỹ cho cán bộ coi thi các quy định của quy chế thi, nhất là cán bộ coi thi lần đầu, không để bị vi phạm và xử lý, không để nhầm lẫn, thất lạc, mất mát bài thi của thí sinh. Đặc biệt, cán bộ coi thi phải phổ biến kỹ quy chế tuyển sinh cho thí sinh trong buổi làm thủ tục dự thi ngày 8-7: nhắc nhở thí sinh tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào trong phòng thi, không để thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật do không được nghe phổ biến quy chế.

Đối với các môn thi tự luận, cán bộ coi thi thứ nhất chỉ ký vào giấy thi và giấy nháp của thí sinh sau khi thí sinh đã ghi đầy đủ họ tên, số báo danh và các mục cần thiết khác trên tờ giấy thi và giấy nháp. Đối với các tờ giấy thi và giấy nháp bổ sung cũng thực hiện theo đúng quy định trên. Đối với các môn thi trắc nghiệm, cả hai cán bộ coi thi ký vào phiếu trả lời trắc nghiệm và giấy nháp trước khi phát cho thí sinh.

QUỐC DŨNG - T.HIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm