Thời gian qua, thị trường fintech hay còn được gọi là ứng dụng công nghệ vào hoạt động tài chính đang phát triển rất mạnh trên toàn thế giới và Việt Nam. Riêng ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Solidiance (công ty chuyên tư vấn chiến lược thị trường mới ở châu Á), Fintech Việt Nam đạt 4,4 tỉ USD năm 2017 và dự kiến sẽ bùng nổ lên mức gần 8 tỉ USD vào năm 2020.
Bùng nổ fintech
Các ứng dụng fintech đã hỗ trợ rất nhiều trong việc hiện thực hóa chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, dù fintech phát triển nhanh nhưng còn thiếu hành lang pháp lý.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá về mặt chủ trương, chính sách cho fintech là rất đúng nhưng phản ứng và thực thi chính sách với những cái mới còn khá chậm.
“Các điều kiện cho công ty fintech gia nhập cơ chế thí điểm cần hài hòa lợi ích của các bên, vừa thuận cho Nhà nước quản lý dòng tiền và đánh thuế nhưng cũng cần tránh gây khó cho doanh nghiệp” - ông Long nói.
Dù nhiều doanh nghiệp và chuyên gia “mong ngóng” nhưng đến nay một cơ chế thử nghiệm cho fintech dường như vẫn chỉ đang được cân nhắc. Cuối tháng 10-2019, chia sẻ tại một hội thảo về công nghệ, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, bày tỏ sự mong chờ cơ quan nhà nước cần sớm ban hành hành lang pháp lý và cho phép cơ chế thử nghiệm cụ thể về các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt, ngân hàng số; hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không tiền mặt, hỗ trợ nạp tiền.
Lĩnh vực fintech đang là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Ảnh: CTV
Cơ chế thử nghiệm tài chính số
Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đề án Cơ chế thử nghiệm hoạt động cho fintech (regulatory sandbox) đã được cơ quan này trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8-2019. Theo đó, đề án có phạm vi điều chỉnh là các mô hình/giải pháp fintech được các tổ chức fintech (không phải là ngân hàng) trực tiếp cung ứng… được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, các đối tượng điều chỉnh bao gồm tổ chức tín dụng khi có các giải pháp mới, doanh nghiệp fintech hợp tác với tổ chức tín dụng. Để được tham gia áp dụng cơ chế sandbox thì các fintech phải đáp ứng nhiều điều kiện. Trong đó, đáng chú ý là phải có giải pháp fintech sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, hoặc giải pháp fintech được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao. Giải pháp fintech được thiết kế quản lý rủi ro tốt; có phương án xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm…
TS Trần Thị Quang Hồng, Trưởng ban Nghiên cứu pháp luật dân sự - kinh tế, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), cho rằng để có thể phát triển các cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động fintech ở Việt Nam cần những hành lang pháp lý cụ thể hơn và có sự trao quyền mạnh mẽ cũng như xác định trách nhiệm rõ ràng hơn cho các bộ, ngành.
Còn ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), cho rằng nếu có các khung pháp lý như regulatory sandbox thì rủi ro cho doanh nghiệp, Nhà nước và nền kinh tế sẽ được giảm thiểu. Đáng chú ý, nếu có regulatory sandbox, vùng xám cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng giảm đi, đồng nghĩa với hạn chế được nguy cơ lừa đảo, tội phạm tài chính, tranh chấp, kinh doanh chụp giật khi cả nhà đầu tư và người tiêu dùng đều được bảo vệ.
Doanh số đạt hàng ngàn tỉ đồng Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước có hơn 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được cơ quan này cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet. 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Doanh số giao dịch fintech qua kênh Internet banking và mobile banking đạt hàng ngàn tỉ đồng. Theo các chuyên gia tài chính, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tổng thể cho lĩnh vực fintech đang là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng 4.0. Trong lúc chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tổng thể thì cơ chế regulatory sandbox sẽ tạo hành lang pháp lý cho các fintech phát triển lành mạnh, đúng hướng. Mục tiêu của regulatory sandbox là thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân. Đồng thời nếu có regulatory sandbox sẽ hạn chế rủi ro cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ fintech chưa được cấp phép chính thức… |