Thị trường Dược phẩm Việt Nam dự báo đạt hơn 10 tỉ USD năm 2026

(PLO)- Thị trường Dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị ước tính đạt 7 tỉ USD vào năm 2022, dự báo đạt hơn 10 tỉ USD năm 2026.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin trên được TS Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế nêu ra tại Diễn đàn Đổi mới tiếp cận - Nâng tầm y tế Việt Nam, tổ chức ngày 18-10 tại Hà Nội.

Theo ông Hùng, kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược 68) đạt được nhiều thành tựu, đảm bảo cung ứng thuốc có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) và phòng bệnh.

nganh-duoc.JPG
Toàn cảnh diễn đàn Đổi mới tiếp cận - Nâng tầm y tế Việt Nam. Ảnh: TT

Công nghiệp dược có nhiều điểm sáng

Công nghiệp dược có những bước phát triển đáng ghi nhận, sản xuất thuốc trong nước mở rộng về quy mô và nâng cao vai trò trong thị trường tiêu thụ thuốc.

228 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó 18 cơ sở có dây chuyền sản xuất thuốc đạt EU-GMP hoặc tương đương. Sản xuất được 11/12 vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đặc biệt, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị ước tính tăng từ khoảng 2,7 tỉ USD trong năm 2015 lên 7 tỉ USD vào năm 2022, dự báo đạt hơn 10 tỉ USD vào năm 2026.

Quản lý hoạt động phân phối, cung ứng ngày càng được chuẩn hóa, tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân. Việc kiểm soát chất lượng thuốc được đảm bảo. Tỉ lệ thuốc không đạt chất lượng trong các năm gần đây duy trì ở mức thấp dưới 2% trên tổng số mẫu lấy trên thị trường.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 131/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của các cơ sở KCB. Đây là hành lang pháp lý để đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng.

Tuy nhiên, đại diện Cục Quản lý Dược cũng cho biết vẫn có một số chỉ tiêu đạt tỉ lệ rất thấp so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược 68. Sản xuất thuốc trong nước chưa có tính cạnh tranh cao và bền vững, chủ yếu là các dạng bào chế đơn giản. Đáng lưu ý, 90% nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc phụ thuộc vào nhập khẩu.

thi-truong-duoc.JPG
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Tạ Mạnh Hùng chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: TT

Ngoài ra, một số số lĩnh vực như dược lâm sàng, quản lý chất lượng, nghiên cứu phát triển thuốc mới còn thiếu nhân lực. Hiện tượng sử dụng thuốc chưa hợp lý và bán thuốc không theo kê đơn còn khá phổ biến. Việc tiếp cận thuốc bị ảnh hưởng từ một số chính sách như mua sắm đấu thầu, thanh toán BHYT...

Phát triển ngành Dược bền vững, đảm bảo an ninh thuốc

Trên cơ sở đánh giá, kế thừa Chiến lược 68, ông Hùng cho biết chiến lược phát triển ngành Dược đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 cần phù hợp với tình hình thực tiễn, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam và xu thế phát triển ngành dược trong khu vực và trên thế giới.

Theo đó, phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng, chữa bệnh. Vaccine đáp ứng 100% nhu cầu tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ, 100% thuốc lưu hành được giám sát quản lý, tỉ lệ dược sĩ trên một vạn dân đạt 4/1.

Cùng với đó là một số mục tiêu như sản xuất được ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm, xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên, phát triển 10-15 loài cây dược liệu nhập khẩu số lượng lớn...

Đặc biệt, cần đẩy mạnh chuyển đổi số ngành dược, số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành, các cơ sở sản xuất, bán buôn, xuất nhập khẩu, bán lẻ thuốc được kết nối liên thông và ứng dụng AI trong hoạt động ngành dược.

Cũng tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để đạt được mục tiêu phát triển ngành dược trong thời gian tới, Bộ Y tế luôn coi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dược phẩm - trong đó có chia sẻ về bản quyền và công nghệ - là giải pháp mũi nhọn.

“Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, trong đó bao gồm cả việc thành lập các cơ sở sản xuất thuốc để từ đó xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Dư địa để khai thác các tiềm năng thương mại trong ngành dược còn rất nhiều, cơ hội cho hợp tác và phát triển của các doanh nghiệp dược vẫn còn phía trước”, Thứ trưởng Hương nhấn mạnh.

nguyen-thi-lien-huong.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế: "Dư địa để khai thác các tiềm năng thương mại trong lĩnh vực dược còn rất nhiều". Ảnh: TT

Ông Hùng cũng nêu rõ, cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật nhằm đảm bảo quản lý phù hợp, chặt chẽ và hài hòa. Có biện pháp quy hoạch quỹ đất để nghiên cứu, phát triển dược phẩm. Tăng cường đầu tư và tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược, nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc và năng lực đội ngũ, áp dụng công nghệ thông tin, AI, chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược.

Tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD. Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược tương đương các nước tiên tiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm