Thông tin với báo chí chiều ngày 17-10, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết Dự thảo Luật BHXH mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ VI bao gồm cả hai phương án liên quan đến việc rút BHXH 1 lần.
Giảm rút BHXH 1 lần để bảo an sinh xã hội lâu dài
Theo thống kế của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 5 triệu người lao động (NLĐ) nhận BHXH 1 lần. Trong đó, khoảng 1,3 triệu người đã quay lại và tiếp tục tham gia BHXH.
Trong tổng số những người nhận BHXH 1 lần, gần 70% có thời gian đóng BHXH khá ngắn (dưới 5 năm), 99% vẫn đang trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, có đến 80% trong độ tuổi từ 20-40 tuổi, chủ yếu thuộc khối ngoài nhà nước.
“Do đó, rất cần có giải pháp phù hợp để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài và cuộc sống của NLĐ khi về già. Cần có quy định phù hợp để giảm tình trạng rút BHXH 1 lần, theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu trí, đồng thời giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH 1 lần”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo đó, để giảm rút BHXH 1 lần, giúp NLĐ thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi hưu, dự thảo luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm tăng tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án
Bên cạnh mở rộng quyền lợi của người tham gia BHXH, khuyến khích NLĐ không rút BHXH 1 lần, dự thảo luật cũng bổ sung 2 phương án đối với những người có nhu cầu rút BHXH 1 lần.
Trong đó, phương án 1 quy định việc rút BHXH 1 lần đối với 2 nhóm NLĐ khác nhau. Nhóm 1 là những người đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH 1 lần.
Nhóm 2 là những NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận BHXH 1 lần, chỉ giải quyết trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định.
Trong khi đó, phương án 2 quy định sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH và đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà có nhu cầu thì thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Ông Cường nhận định, theo quy định tại phương án 2, NLĐ rút BHXH 1 lần một phần và phần còn lại vẫn được bảo lưu trên sổ, trong thời gian bảo lưu vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi.
Do đó, nếu sau này NLĐ tiếp tục tham gia BHXH thì sẽ được cộng nối. Còn trong trường hợp không tham gia nữa, thì đến tuổi nghỉ hưu, NLĐ vẫn có lựa chọn: đóng tiếp để hưởng lương hưu, hoặc lựa chọn nhận trợ cấp hằng tháng từ phần đóng góp của họ cùng với BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Trong khi đó, theo phương án 1, nếu rút BHXH 1 lần, toàn bộ thời gian đóng BHXH sẽ bị xóa bỏ. Sau này khi NLĐ tham gia BHXH lại thì thời gian đóng được tính lại từ đầu.
Tuy nhiên, đại diện Vụ BHXH vẫn nhấn mạnh cả 2 phương án đều có những ưu, nhược điểm riêng.
“Đây là vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm. Trên cơ sở đánh giá 2 phương án, bộ sẽ trình Chính phủ để có báo cáo trước Quốc hội nhằm đánh giá. Chúng tôi cũng tiếp tục phối hợp cùng các bộ ngành, lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, nhà khoa học, tiếp thu phản ánh của cơ quan báo đài về đánh giá, phản hồi của người dân… để tiếp tục hoàn thiện các nội dung”, ông Cường thông tin.
Đồng thời, trước câu hỏi về quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH hiện đang nghiêng về phương án nào, ông Công cho biết, nếu là người đang tham gia BHXH thì “sẽ không bao giờ rút BHXH 1 lần”.