BHXH Việt Nam vừa đề nghị Bộ LĐ-TB&XH gỡ vướng trong việc truy thu BHXH một lần của người lao động (NLĐ). Đây được cho là vướng mắc thực tiễn trong tổ chức thực hiện chính sách này, từng bị cơ quan kiểm toán coi là vi phạm điều kiện sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH.
Khó truy thu tiền đã chi trả
Theo quy định hiện hành, NLĐ sẽ được nhận BHXH một lần khi đáp ứng hai điều kiện là chưa đóng BHXH đủ 20 năm và sau một năm không có việc làm. Tuy nhiên, có những trường hợp đã được giải quyết BHXH một lần nhưng sau đó trên hệ thống lại ghi nhận phát sinh tăng thu BHXH của họ nên phải tiếp tục giải quyết số tiền được đóng thêm vào quỹ.
Việc phát sinh tăng thu này xảy ra trong tình huống NLĐ sau khi nghỉ việc tiếp tục đi làm, giao kết hợp đồng lao động có nội dung thử việc, chưa phải đóng BHXH. Trong thời gian này, do họ có đủ một năm nghỉ việc nên đáp ứng điều kiện hưởng một lần cho thời gian đóng BHXH trước đó.
Tuy nhiên, nếu thử việc đạt, người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết với NLĐ và phát sinh truy đóng BHXH từ lúc NLĐ giao kết hợp đồng thử việc (tức trước khi hưởng một lần). “Như vậy, một số trường hợp NLĐ không xác định được có vi phạm điều kiện hưởng hay không, bởi nếu thử việc không đạt thì họ vẫn thuộc diện nghỉ việc một năm…” - BHXH Việt Nam nêu.
665.000 là số người rút BHXH một lần trong sáu tháng đầu năm 2023 (bình quân hơn 110.000 người/tháng), theo thống kê của BHXH Việt Nam.
Các trường hợp trên là bất khả kháng với cơ quan BHXH, vì tại thời điểm BHXH giải quyết một lần thì NLĐ đủ điều kiện. Điều này dẫn đến khi cơ quan kiểm toán, thanh tra rà soát dữ liệu giải quyết chế độ BHXH thì họ yêu cầu BHXH thu hồi số tiền mà NLĐ đã hưởng một lần vì cho rằng NLĐ nghỉ việc chưa đủ một năm. BHXH đã phải hủy quyết định hưởng một lần, thu hồi số tiền đã chi trả để bảo lưu thời gian đóng và gộp quá trình đóng trên sổ BHXH của NLĐ.
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho biết quá trình truy thu rất khó khăn, nhiều trường hợp việc thu hồi không khả thi. Người hưởng một lần chủ yếu là lao động phổ thông, thu nhập không ổn định nên phần lớn không có khả năng hoàn trả do đã sử dụng hết tiền. Cạnh đó, nhiều người không hợp tác với cơ quan BHXH vì cho rằng họ đóng BHXH và hưởng một lần là quyền lợi của mình.
Gắn trách nhiệm vào đơn đề nghị rút một lần
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết chiếu theo quy định hiện hành, NLĐ không đảm bảo điều kiện sẽ không được hưởng BHXH một lần. Trường hợp đã được giải quyết nhưng sau đó phát hiện không đúng quy định, cơ quan BHXH sẽ truy thu.
Để hạn chế giải quyết BHXH một lần đối với NLĐ không đủ điều kiện hưởng, tức tại thời điểm giải quyết chưa có căn cứ xác định việc NLĐ đã đi làm và tiếp tục đóng BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị BHXH Việt Nam tăng cường trách nhiệm trong quản lý đối tượng tham gia BHXH.
Cụ thể, cần phối hợp với các đơn vị liên quan trong quản lý, chia sẻ dữ liệu về tình trạng việc làm của NLĐ. Kịp thời nắm bắt và quản lý biến động lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, từ đó có cơ sở đối chiếu, xét duyệt điều kiện hưởng một lần khi NLĐ có đề nghị.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam cần chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện mẫu hồ sơ hưởng BHXH một lần của NLĐ theo hướng chặt chẽ hơn. Gắn trách nhiệm với NLĐ khi lập hồ sơ đề nghị hưởng một lần, từ đó làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm hành chính nếu NLĐ kê khai không đúng sự thật để buộc NLĐ nộp lại tiền đã hưởng.
Khi giải quyết hưởng BHXH một lần cho NLĐ, cơ quan BHXH cần tuyên truyền, giải thích và hướng dẫn để họ hiểu quy định của pháp luật cũng như hậu quả của việc kê khai không trung thực. “Đối với các trường hợp tình huống khách quan, không do chủ ý của NLĐ, đề nghị BHXH Việt Nam rà soát, tổng hợp, kiến nghị, đề xuất sửa đổi; bổ sung, hoàn thiện các quy định để việc giải quyết và chi trả chế độ đúng quy định…” - đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016-2021 có hơn 4,25 triệu lao động tham gia BHXH và 4,06 triệu người rút BHXH một lần. Như vậy, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người rút BHXH một lần.
Trong 4,06 triệu người rút BHXH một lần có khoảng 1,2 triệu người quay lại hệ thống, tiếp tục đóng BHXH; 30.000 người đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH được rút BHXH một lần; 20.000 người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng đã tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu để được hưởng lương hưu.