Từ năm 2017 đến nay, nhiều hãng ô tô tại Việt Nam đã thu hẹp sản xuất, lắp ráp trong nước, chuyển mạnh sang nhập khẩu. Đặc biệt gần đây, rất nhiều mẫu ô tô loại 5-7 chỗ giá thấp được nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam. Ví dụ như mẫu xe Ertiga mới với giá 499-549 triệu đồng; ba mẫu xe nhỏ là Wigo, Avanza và Rush giá bán 345-686 triệu đồng.
Xe nhập khẩu đè bẹp xe sản xuất, lắp ráp trong nước
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số thị trường ô tô Việt Nam đang thể hiện sự áp đảo của xe ngoại nhập khi thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN giảm về 0% từ đầu năm ngoái đến nay. Chẳng hạn, số lượng xe nhập khẩu trong tám tháng đầu năm nay đã tăng 233% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng xe lắp ráp trong nước lại giảm 14%. Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, ô tô từ chín chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu trong nửa đầu năm nay đạt 54.927 chiếc, tăng đến 652% so với cùng kỳ.
Còn theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 12 thương hiệu ô tô vừa nhập khẩu, vừa sản xuất tại Việt Nam có tới sáu hãng xe đã thu hẹp sản xuất, tăng nhập khẩu. Đơn cử, từ năm ngoái, ông lớn Toyota đã đưa về Việt Nam thêm ba mẫu xe mới nhập khẩu từ Indonesia là Wigo, Avanza và Rush.
Đáng chú ý là mới đây Camry 2019 đã được hãng này nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan về Việt Nam thay vì lắp ráp trong nước như phiên bản cũ. Như vậy hiện chỉ còn một số mẫu xe ăn khách của Toyota như Vios, Innova vẫn tiếp tục sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, còn lại là nhập khẩu nguyên chiếc.
Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ đại lý Hiền Toyota (TP.HCM), giải thích hiện nay nhiều mẫu xe nhập khẩu từ các nước ASEAN được hưởng thuế 0%. Nếu so sánh với việc sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, các mẫu xe nhập khẩu có giá chênh lệch không cao hơn nhiều nên các hãng ô tô lựa chọn nhập nhiều hơn.
“Đơn cử như mẫu Fortuner nhập khẩu về giá bán chỉ cao hơn giá mẫu xe cùng loại được lắp ráp tại Việt Nam 5 triệu đồng. Hơn nữa, tâm lý người tiêu dùng trong nước vẫn lựa chọn xe nhập, trừ trường hợp chênh lệch giá trăm triệu trở lên họ mới xem xét xe sản xuất, lắp ráp” - bà Hiền nói.
Hãng ô tô Honda cũng giảm dần lượng xe lắp ráp trong nước, tăng xe nhập khẩu. Chẳng hạn từ năm ngoái mẫu CRV không còn được hãng này sản xuất, lắp ráp trong nước mà chuyển sang nhập. Tương tự, hãng xe Nhật Suzuki cũng chuyển hoàn toàn sang nhập khẩu với năm mẫu xe gồm Celerio, Ciaz, Vitara, Ertiga và Swiff. Như vậy tính đến thời điểm này, chỉ còn ba doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là Thaco, Hyundai Thành Công và VinFast.
Bộ Công Thương đề xuất áp thuế suất 0% đối với một số cụm chi tiết quan trọng của ô tô dưới chín chỗ như động cơ, hộp số... Ảnh: QH
“Đó là điều hiển nhiên”
Lý giải về việc các hãng xe chuyển sang nhập khẩu thay vì sản xuất lắp ráp tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính là do thuế xuất nhập khẩu giảm về 0% vào đầu năm ngoái và chính sách hỗ trợ nền công nghiệp ô tô của Việt Nam chưa hiệu quả.
“Xe nhập khẩu về ngày càng nhiều là điều hiển nhiên” - ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, nhận định. Ông Đồng phân tích các hãng ô tô Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… đầu tư nhà máy, mở rộng sản xuất ở những nước có nền công nghiệp ô tô và phụ trợ phát triển như Thái Lan, Indonesia. Trong khi chính sách cho ngành ô tô của Việt Nam nhiều năm nay ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng lại bỏ quên hỗ trợ cho phát triển công nghiệp phụ trợ.
“Do vậy khi thuế nhập khẩu về 0%, chi phí sản xuất tại Việt Nam lại cao nên họ bỏ sang Thái Lan, Indonesia hoặc chuyển sang nhập khẩu là dễ hiểu” - ông Đồng nhấn mạnh.
Theo ông Đồng, trước mắt vẫn phải tìm cách giữ chân các công ty tiếp tục đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Bởi khi các hãng ô tô sản xuất, lắp ráp tại nước ta thì doanh nghiệp nội địa mới có cơ hội để cung cấp, sản xuất linh kiện, phụ tùng. Như vậy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô mới có cửa phát triển, các doanh nghiệp ô tô Việt mới có cơ hội chuyển giao công nghệ.
Đại diện Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) cũng cho biết hiện nay chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam luôn cao hơn các nước ASEAN. Mặt khác, do con số sản xuất thấp nhưng chi phí đầu tư lớn khiến giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực.
“Miễn, giảm thuế nhập khẩu linh kiện, động cơ kết hợp với tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận lãi suất hợp lý, mặt bằng, thuế… thì mới khuyến khích các hãng xe tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Nếu không, họ sẽ quay sang nhập khẩu” - đại diện Thaco nói.
Đại diện Bộ Công Thương cho hay dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỉ USD. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu do thuế nhập khẩu từ ASEAN đã về 0%. Hiện tại doanh nghiệp vẫn cầm cự được, duy trì đều sản lượng cho các dòng xe nhưng nếu kéo dài thì sức khỏe của doanh nghiệp sẽ yếu.
Chính vì vậy, mới đây Bộ Công Thương phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét xây dựng các chính sách mới nhằm khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Ví dụ, bộ đề xuất điều chỉnh thuế suất 0% đối với một số cụm chi tiết quan trọng ô tô dưới chín chỗ như động cơ, hộp số; không tính thuế đối với phần linh kiện, phụ tùng nội địa hóa của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Qua đó nhằm giảm giá thành, tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm trong nước so với ô tô nhập khẩu.
Việt Nam nên học cách làm của Thái Lan Để hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô, Thái Lan đưa ra rất nhiều chính sách như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng thuế nhập khẩu, ưu đãi cho công ty có tỉ lệ nội địa hóa cao... Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc hệ thống đại lý ô tô Hiền Toyota (TP.HCM), cho rằng Việt Nam nên phát triển thị trường ô tô trong nước bằng việc tập trung chính sách hỗ trợ cho một số dòng xe như Thái Lan. “Ví dụ, Thái Lan có chính sách phát triển mạnh dòng xe bán tải để phục vụ dịch vụ, phục vụ nông dân. Vì vậy mẫu xe này trở nên phổ biến tại nước này, cứ 10 người thì có tới 7-8 người sử dụng mẫu xe bán tải. Thị trường lớn, số lượng xe sản xuất lớn nên giá thành thấp, xe có giá rẻ hơn các nước khác” - bà Hiền nói. |