Thị trường phim hè có “dễ ăn”?

Thông thường thị trường phim trong nước chỉ xôn xao vào những dịp tết hoặc Giáng sinh và gần như bỏ ngỏ thị trường phim hè. Xu hướng khán giả tuổi teen yêu thích những phim “bom tấn” của Mỹ, Hàn Quốc… càng khiến các nhà làm phim VN nhát tay đầu tư, dù biết đây chính là thị trường béo bở. Tuy nhiên, sự đầu tư của các phim chiếu rạp dành cho mùa hè 2012: Gia sư nữ quái, Dành cho tháng Sáu… với dàn diễn viên trẻ, nội dung các bộ phim xoay quanh những đề tài học đường, hướng đến lứa tuổi học sinh, sinh viên đã tạo nên một cơn sóng ngầm cho thị trường phim hè trong nước.

Đáp ứng được nhu cầu thần tượng

Dành cho tháng SáuGia sư nữ quái đều có lợi thế khi sử dụng hàng loạt gương mặt trẻ đảm bảo độ “hot” đối với các khán giả teen hiện nay như: Huỳnh Anh (được biết đến với vai Bi trong Bi, đừng sợ! của Phan Đăng Di), ca sĩ Bảo Thy, Issac (thành viên nhóm 365), siêu mẫu Trương Nam Thành, “hot boy” Baggio,... Ngoại trừ Huỳnh Anh, hay Baggio được biết đến như diễn viên trẻ thực sự thì những tên tuổi còn lại đều là những “tay ngang” được mời đóng phim chỉ vì mật độ “phủ sóng” tên tuổi của họ đối với khán giả trẻ khá dày đặc.

Dành cho tháng Sáu được coi là đậm chất tuổi học trò nhất khi hướng về những kỷ niệm trong trẻo, hồn nhiên của ba người bạn cùng đội bóng rổ trường cấp 3. Sử dụng bối cảnh có màu sắc tươi đẹp, hiền hòa, kết hợp những vấn đề tình cảm, tâm lý học trò phức tạp cũng được đạo diễn đề cập khéo léo trong câu chuyện phim này.

Thị trường phim hè có “dễ ăn”? ảnh 1

Một cảnh trong phim Gia sư nữ quái. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Trong khi đó, Gia sư nữ quái lại khai thác đề tài tình yêu gia sư - học trò. Tạo hình của các nhân vật được nhà sản xuất đầu tư khá kỹ lưỡng khi mời cả stylist hàng đầu VN Nguyễn Thiện Khiêm tư vấn và lo toàn bộ phục trang cho các vai diễn từ chính đến phụ. Ngoài ra, với sự tham gia của “cây cười” Hoài Linh cùng những pha võ thuật hài hước, phim hứa hẹn đáp ứng tiêu chí giải trí của khán giả teen hiện nay.

Doanh thu không phải là tất cả

Không như phim tết, khả năng thu hồi vốn và đạt doanh thu của các nhà sản xuất phim dành cho mùa hè chính là câu hỏi lớn cho các nhà làm phim. Bởi thực tế cho thấy ngoài sự ra mắt thành công vượt mong đợi của bộ phim Để mai tính với dàn diễn viên tên tuổi, nội dung hài hước vào mùa hè năm 2010, thì hai bộ phimGiữa hai thế giớiSài Gòn Yolại chìm lỉm khi ra mắt vào mùa hè năm 2011.

Ngoài ra, phim dành cho tuổi teen dù có đối tượng khán giả cụ thể nhưng lại sẽ hạn chế lượng khán giả khác đến rạp. Miếng bánh thị phần được “ăn trọn” nhưng lại khá nhỏ. Tuy nhiên, một số nhà làm phim vẫn khá lạc quan khi đầu tư vào phân khúc thị trường này. Đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn phim Dành cho tháng Sáu chia sẻ: “Tôi nghĩ việc ra mắt phim vào dịp hè hay dịp tết là đều như nhau. Thêm vào đó, tôi nghĩ mùa nào thì sẽ phù hợp với phim đó. Doanh thu là điều quan trọng nhưng không phải là tất cả. Vì thế, trước tiên là tìm ngõ ra cho phim tuổi teen, tạo tiền đề cho các mùa hè sau”.

Đại diện hãng phim Thiên Ngân cho biết: “Việc định hướng nội dung phim cho phù hợp với từng thời điểm là điều quan trọng khi làm phim Việt Nam. Thiên Ngân cũng là hãng đầu tiên công phá thị trường phim chiếu rạp mùa hè với bộ phim Để mai tính hợp tác cùng Early Riser, phá mọi kỷ lục về doanh thu phim Việt với mức thu về đạt hơn 1 triệu đô. Trong thời điểm phim tết bùng phát thì việc ra mắt phim trong dịp tết sẽ gặp mức độ cạnh tranh rất khủng khiếp. Hiện nay, Thiên Ngân phát hành phim dàn trải các mùa trong năm để mang lại tính cạnh tranh cũng như nhiều sự lựa chọn cho khán giả hơn. Có một sự thật là phim Việt Nam luôn được khán giả ưu ái hơn cho dù không ra rạp vào dịp tết, nên vấn đề về doanh thu cũng sẽ không quá làm các nhà sản xuất phải đau đầu”.

Những con số đáng nhớ về doanh thu

Ngoài bộ phim Để mai tính (2010) mở màn cho thị trường phim mùa hè cán mốc 1 triệu đô (hơn 20 tỉ đồng), phá vỡ mọi kỷ lục về phim Việt Nam phát hành trước đó thì các phim tết vẫn luôn mang về những doanh thu “cực khủng” khiến bất cứ một hãng phim nào cũng thèm muốn được chen chân vào thị trường phim ảnh trong nước: Những nụ hôn rực rỡ (2010) 20 tỉ đồng, Bóng ma học đường (2010) 25 tỉ đồng, Long ruồi (2011): 42 tỉ đồng, Cô dâu đại chiến (2011): 37 tỉ đồng, Hello cô Ba (2012): 25 tỉ đồng, Thiên mệnh anh hùng (2012): 20 tỉ đồng,...

TRÍ MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm