“2 mũi giáp công” để thích ứng với SARS-CoV-2 - Bài 2:

Thích ứng SARS-CoV-2: Cần lập 3 'vùng xanh' thiết yếu cho người dân

Tháng 4 năm ngoái, một bài xã luận trên tạp chí Financial Times nhận định: “Thậm chí, khi các quốc gia trên thế giới dự kiến bắt đầu thoát khỏi sự phong tỏa (lockdown) do COVID-19, thì rõ ràng rằng cuộc sống cũng sẽ không thể quay lại như trước khi có khủng hoảng nếu chưa có vaccine. Các tổ chức và các cá nhân cần thích ứng với trạng thái “bình thường mới””.

“Vùng xanh”: An toàn, thích ứng với SARS-CoV-2

Hơn một năm sau bài viết của Financial Times, nhiều quốc gia đã tiêm chủng diện rộng, thậm chí như Israel đã tiêm cho hơn 50% dân số. Tuy nhiên, chưa nước nào tự tin xem dịch COVID-19 như “cúm mùa thông thường”.

Các nước buộc phải dùng các giải pháp “truy đuổi dịch”, gồm cách ly, phong tỏa, thắt chặt giãn cách xã hội. GS dịch tễ học Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) cho rằng các biện pháp giãn cách xã hội như phong tỏa sẽ trở nên cần thiết trong các trường hợp khẩn cấp để bảo vệ hệ thống y tế. Trong tương lai, các giải pháp này chắc chắn vẫn sẽ còn được áp dụng.

Các chuyên gia đề xuất trong mọi tình huống của dịch bệnh, phải quyết tâm bảo toàn hệ thống y tế bao gồm nhân viên y tế, thuốc men và trang thiết bị chữa bệnh… Trong ảnh: Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ chuẩn bị lấy mẫu cho người dân khu vực phỏng tỏa ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Một số chuyên gia nghiên cứu GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong chống dịch như PGS-TS Lê Trung Chơn (ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng đồng tình rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất. Thậm chí lúc Việt Nam đẩy lùi đại dịch thì khi mở cửa trở lại, dịch bệnh có thể sẽ quay lại.

Vì vậy, bên cạnh các giải pháp khoanh “vùng đỏ” (xác định các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao; mô phỏng dịch tễ F0, F1; cắt nguồn lây F0 khỏi cộng đồng…) để chống đại dịch; thì việc tạo ra các “vùng xanh” - vùng an toàn - để đảm bảo đời sống và sinh kế cho người dân, doanh nghiệp sẽ là chiến lược lâu dài.

Ứng dụng công nghệ lập các “vùng xanh” lương thực

PGS-TS Lê Trung Chơn, chuyên gia GIS, cho rằng nếu lĩnh vực thông tin, dữ liệu tại Việt Nam khuyến khích được sự tham gia của ngày càng nhiều các thành phần tư nhân, nước ngoài thì việc tạo ra các ứng dụng để người dân cung ứng, chia sẻ lương thực, thực phẩm sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Ví dụ, người dân có thể tìm kiếm các điểm bán hàng bình ổn giá; các điểm mở cửa bán hàng (khi TP lockdown); cửa hàng online… Người dân ở phạm vi hẹp có thể chia sẻ hay trao đổi, biếu tặng lương thực, thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp. Thậm chí, có thể khám chữa bệnh từ xa bằng công nghệ. 

An toàn y tế

Như GS Nguyễn Văn Tuấn và một số chuyên gia khác đề xuất, trong mọi tình huống có sự xuất hiện của dịch bệnh, phải đảm bảo các mục tiêu quan trọng: (i) Quyết tâm bằng mọi cách bảo toàn hệ thống y tế (bao gồm nhân viên y tế; thuốc men và trang thiết bị chữa bệnh…); (ii) Đặt mục tiêu lớn nhất là hạn chế tối đa trường hợp F0 chuyển nặng và tử vong; (iii) Tăng cường năng lực và ý thức tự bảo vệ an toàn bản thân của các tổ chức, cá nhân.

Khi đó, “vùng xanh” trong chính sách y tế đối với người dân sẽ là gì?

Thứ nhất, độ phủ chiến dịch tiêm vaccine phải được cải thiện. Các giáo sư dịch tễ học và nghiên cứu về COVID-19 khuyên rằng những lực lượng nguy cơ cao như đội ngũ y tế, người cao tuổi, người bệnh nền, người lao động trong thời gian lockdown (tài xế; người giao hàng; lĩnh vực đặc thù mang tính chiến lược, an ninh của Nhà nước…) cần được ưu tiên; các khu vực nguy cơ cao cần được tiêm trước. Việc tiêm phải cơ động, dễ tiếp cận, đảm bảo giãn cách.

Thứ hai, báo cáo của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) và các chuyên gia tư vấn ngoài ngân hàng vào tháng 7-2020 khuyến nghị: Việt Nam nên “xúc tiến khám chữa bệnh từ xa...”. Ngoài bệnh nhân COVID-19, những người bị bệnh khác cũng phải được chăm sóc, đảm bảo tính cân bằng. Ngoài ra, các F1 và F0 cách ly tại nhà cũng cần sự giám sát về y tế để đảm bảo an toàn cho họ.

Vì vậy, việc hình thành một nền y tế chủ động, có thể vận hành ổn định trong mùa dịch, đảm bảo ai cũng có thể được tư vấn, thăm khám kịp thời là điều rất quan trọng. Như các chuyên gia WB khuyến cáo: “Vì khám chữa bệnh từ xa không nhất thiết đòi hỏi “kỹ thuật cao”. Trước mắt, nên ưu tiên cho những công nghệ đơn giản và không tốn kém, chẳng hạn thăm khám bằng điện thoại là cách hiệu quả, kinh tế để kết nối chuyên gia y tế với bệnh nhân”. Mặt khác, với các tỉnh, thành vùng sâu vùng xa, khan hiếm nguồn lực y tế thì việc hội chẩn, tư vấn từ xa để kịp thời cứu chữa các ca bệnh nặng sẽ mang ý nghĩa chiến lược.

Thứ ba, trao cho người dân quyền tự quản lý rủi ro của họ, tất nhiên phải dựa trên cơ sở khoa học và có sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan y tế. Người dân cần trang bị kiến thức dịch tễ tốt và dần hình thành ý thức tự bảo vệ bản thân và người xung quanh (cần thiết dùng các công cụ pháp luật điều chỉnh), từ việc hình thành thói quen 5K, tuân thủ quy định phòng dịch; đến việc chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân khi thuộc diện cách ly hay chữa trị tại nhà. Nhà nước cần sớm áp dụng các mô hình sàng lọc và phân loại các ca F0 với (dự báo) tình trạng nặng, nhẹ khác nhau, từ đó có phương án cách ly, chữa trị hợp lý.

An toàn lương thực, thực phẩm

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Viện Social Life), lưu ý: Trong đại dịch, việc đảm bảo cung ứng, giá cả và cứu trợ thực phẩm rất quan trọng. Khan hiếm thực phẩm có thể gây bất an xã hội. Để tạo “vùng xanh”, nguồn cung nhu yếu phẩm cần được cấp “luồng xanh”, nhất là khi lockdown. Ví dụ mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có chỉ đạo về việc lập “luồng xanh” vận tải hàng hóa liên vùng và trên cả nước để lưu thông hàng hóa đi, đến hoặc đi qua từng địa phương.

Tiếp đó, việc tổ chức các điểm mua bán nhu yếu phẩm phải được tổ chức lại để phù hợp với “bình thường mới”, nhất là đối với nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa không có siêu thị, chợ hay cửa hàng thực phẩm. Hệ thống cung ứng nhu yếu phẩm cần được tái tổ chức với hai mục tiêu: (i) Ngừa dịch lây lan (ví dụ: Khuyến khích trực tuyến; tăng giãn cách giữa người mua - bán; xây dựng các tiêu chuẩn mới về cách bài trí ở các khu mua sắm, chợ, siêu thị…); và (ii) Đảm bảo an ninh lương thực (ví dụ: Thận trọng khi quyết định đóng cửa; bán hàng lưu động; tận dụng các điểm mới như bưu điện, cây xăng để bán hàng).

Cuối cùng, cần “cánh tay nối dài” các chính sách và hỗ trợ từ Nhà nước: Sự kết nối xã hội khi thích ứng với virus SARS-CoV-2. Đại dịch xuất hiện khiến sự kết nối thông tin, nguồn lực trong cộng đồng có hiện tượng đứt gãy. Ngay như trong một cao ốc chung cư, có nhà này thừa rau nhưng thiếu thịt; nhà khác lại thừa thịt thiếu rau… Ở quy mô lớn hơn, quận này khan hiếm trứng, thừa cá, tôm nhưng quận khác ngược lại. Nếu mọi người nắm được thông tin đó, tôi cho rằng họ sẽ chia sẻ các nguồn lực, không bị thừa hay thiếu.

Như vậy, cần thiết phải xây dựng các mạng lưới kết nối xã hội cho trạng thái “bình thường mới”: Kết nối người dân cùng một hẻm, một cao ốc chung cư, một phường, quận... và giữa các doanh nghiệp, đoàn thể xã hội... Mỗi đơn vị kết nối thành một nhóm nhỏ, nhiều nhóm nhỏ thành nhóm lớn. Trên các nền tảng công nghệ - thông tin, nơi thừa chuyển qua nơi khan hiếm, người đủ đầy chia sẻ cho người khó khăn.

An toàn tài chính

Công ăn việc làm của người lao động là rất quan trọng. Vậy nên phải loại bỏ tư duy “ngăn sông cấm chợ” phòng dịch theo địa giới hành chính. Ví dụ, TP.HCM có dịch không đồng nghĩa với việc hạn chế hay cấm tất cả người từ TP đi các tỉnh khác; một khu chợ bùng dịch không có nghĩa phải đóng cửa tất cả chợ còn lại… Phải đánh giá đúng rủi ro, nguy cơ lây nhiễm (ví dụ bằng GIS) để tránh đưa ra chính sách giãn cách xã hội một cách cứng nhắc.

Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ đến với người dân; các chính sách tài chính, lãi suất với doanh nghiệp… cần được triển khai đúng đối tượng, kịp thời. PGS-TS Nguyễn Đức Lộc nói: Qua khảo sát ban đầu tại TP.HCM và Bình Dương, có thể thấy dù Nhà nước nỗ lực thực hiện các gói cứu trợ nhưng giải ngân vẫn chưa đuổi kịp khó khăn của người dân. Nhiều người khó khăn nhất, dễ có nguy cơ phá vỡ hoặc chống lại chính sách phòng dịch để mưu sinh, lại chính là đối tượng khó nhận tiền hỗ trợ nhất.

Cần thông qua hệ thống chính trị cơ sở, nhất là các tổ dân phố, công an khu vực, đoàn thể chính trị - xã hội để thu thập dữ liệu người dân kịp thời, đầy đủ và triển khai hỗ trợ đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”.

Mặt khác, khi dịch COVID-19 xuất hiện, các mô hình thương mại điện tử; thanh toán qua mạng; công nghệ mới áp dụng vào y tế, giáo dục trực tuyến liên tục được ra mắt. Nhà nước cần có chính sách mới thúc đẩy các loại hình này để bù đắp thiệt hại mà người dân, doanh nghiệp phải chịu do dịch. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới