Thiết kế đoạn nhập làn cao tốc của một số nước trên thế giới ra sao?

(PLO)- Anh Lê Xuân Hùng dẫn chứng thiết kế đoạn nhập làn cao tốc của một số nước trên thế giới để bạn đọc hiểu hơn về cao tốc tại Việt Nam. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ vụ tai nạn thảm khốc trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến ba người trong một gia đình tử vong vẫn đang khiến nhiều người bình luận.

PLO trích dẫn ý kiến của anh Lê Xuân Hùng (cựu sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, hiện đang sinh sống tại Hàn Quốc) phân tích nhiều vấn đề liên quan đến vụ tai nạn cũng như thiết kế cao tốc.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn nhìn từ google map.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn nhìn từ google map. Ảnh: LÊ XUÂN HÙNG

Theo anh Hùng, đầu năm Giáp Thìn đã có mấy vụ tai nạn trên cao tốc, trong đó có tai nạn ở nút thắt cổ chai trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện vụ việc đã được nhiều người mổ xẻ, tìm ra nguyên nhân gây tai nạn. Đây cũng là điều rất nên làm để biết rõ về nguyên nhân, từ đó sẽ có những biện pháp khắc phục để giảm thiểu tai nạn trong tương lai.

Theo đó, anh Hùng phân tích vụ tai nạn ở nút thắt cổ chai này được nhiều người đưa ra nguyên nhân như sau:

1. Do lái xe ẩu

Đây là phán xét về hành vi của tài xế. Sau khi xem xét video trích từ xe container, tôi nhận thấy chưa đủ để nhận định người lái xe ẩu. Chúng ta chỉ thấy lái xe bỗng vọt lên và chen vào đầu xe container, nếu chỉ xem vội thì có thể nghĩ rằng lái xe vượt ẩu, chưa vượt lên hết đã bẻ lái, nhưng nếu xem kỹ lại đoạn đường lúc đó, tôi tin sẽ có nhiều người nghĩ khác. Khi chúng ta đang có mục tiêu vượt xe container giống như nhiều xe phía trước đã vượt, chúng ta đang cố, khi đến đầu xe container thì bỗng dưng đường phía trước hẹp lại, tôi tin trong một thời gian tích tắc xử lý tính bằng phần 10 giây, cũng sẽ có nhiều người cố nhấn chân ga để vượt qua xe container.

2. Do lái xe chạy không đúng quy định.

Chạy không đúng quy định tức là tốc độ lớn hơn tốc độ cho phép, hoặc vượt ở khúc đường không cho vượt. Cái này phải chờ CSGT điều tra về thời điểm anh ấy bắt đầu vượt, về tốc độ của 2 xe thì mới biết rõ ràng.

3. Do đường thiết kế chưa đúng với tiêu chuẩn

Tiêu chuẩn về đường cao tốc ở Việt Nam không thể so sánh với 1 đường cao tốc cấp cao hoàn thiện ở nước ngoài, có giải phân cách cứng, có làn khẩn cấp, …. để nói rằng chưa đúng tiêu chuẩn được. Tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam phải theo tiêu chuẩn ở Việt Nam. Đường cao tốc ở Việt nam có rất nhiều cấp, thiết kế cho nhiều tốc độ từ 60-120km/h, nếu cứ nghĩ “cao tốc” là chạy vèo vèo như nước ngoài thì không đúng. Có lẽ các nhà có chức trách nên tìm từ khác để mô tả cái đường chưa đủ chuẩn cao tốc cao nhất, để thay thế cho từ “cao tốc” - từ mà dễ gây ngộ nhận cho người lái xe, khi vào cao tốc là được phóng vèo vèo.

Quay trở lại, chỗ nút thắt cổ chai đã được thiết kế đúng tiêu chuẩn hay chưa. Về tiêu chuẩn quy định chiều dài những đoạn vuốt để nhập làn, các bạn có thể xem 1 báo cáo tổng kết [3] tóm tắt các quy định ở TCVN 5729:2012 và TCVN 4054:2005, mình tóm tắt như sau:

h5.png
h4.png
h3.png

Theo tiêu chuẩn, chiều dài đoạn chuyển làn hình nêm được quy định tối thiểu là Ln = 50m (cho tốc độ 80km/h). Nếu áp dụng tiêu chuẩn này cho đoạn hình nêm chuyển làn từ 2 nhập vào 1 chỗ vị trí bị tai nạn, thì đoạn này chắc chắn đã được thiết kế đúng tiêu chuẩn, thực tế chiều dài đoạn hình nêm chỗ vị trí này lớn hơn 50m.

h8.png
Hình từ google Maps, đo ra chiều dài đoạn nêm gần 80m. Ảnh: LÊ XUÂN HÙNG

Tuy nhiên đây là tiêu chuẩn của đoạn hình nêm để nhập làn từ 1 đường nhánh nhập vào, khi mà vận tốc đường nhánh rất thấp, có thể chờ để nhập làn, bản chất hoàn toàn khác so với 2 làn đang chạy tốc độ cao nhập thành 1. Có thể nói rằng tiêu chuẩn tối thiểu 50m kia là để áp dụng cho đoạn chuyển làn hình nêm màu đỏ, không thể áp dụng cho đoạn màu xanh. Tôi chưa tìm thấy các tiêu chuẩn quy định về chiều dài đoạn hình nêm áp dụng cho đoạn màu xanh.

Như vậy phần này, cũng có thể nói rằng đã thiết kế đúng tiêu chuẩn nếu như muốn tìm cách nói cho đúng, bởi vì tiêu chuẩn quy định chưa rõ ràng, hoặc là chưa cập nhập.

4. Thiết kế đoạn nhập làn ở nước ngoài.

Bản chất của đoạn đường hình nêm không phải để xe tăng tốc rồi vượt như nhiều bạn tính toàn thời gian bằng cách lấy chiều dài chia cho vận tốc. Vượt là phải vượt ở đoạn đường phía trước, đoạn cho vượt, còn đoạn hình nêm chiều rộng đường sẽ hẹp dần để từ từ cưỡng bức lái xe lỡ không chú ý phía trước chạy vào đoạn này sẽ có đủ điều kiện xử lý một cách an toàn.

h6.png

Mỹ

Cục quản lý cao tốc liên bang (Federal Highway Administration) Mỹ cũng quy định về chiều dài đoạn đường này [4]. Chiều dài đoạn L = 50 mph x 12ft = 600ft (182m), khoảng cách đặt biển báo mình tra ra d = 260m cho 80km/h.

Hoặc ở một báo cáo khác của NCHRP [5], họ đã khảo sát gần cả ngàn tai nạn trên đoạn nhập làn, đoạn mà chiếm chưa đến 1% đoạn đường cao tốc, nhưng nó lại là đoạn gây ra tai nạn nhiều nhất trên cao tốc. Họ và đã kết luận chiều dài đoạn hình nêm tối thiểu phải 500ft (152m) cho tốc độ 55mph (88km/h).

Riêng chiều dài phần nêm ở Hà Lan để nhập làn tầm 200m.

Tóm lại, chiều dài đoạn nêm ở các nước cũng tương đồng, tầm 200m, đây chắc chắn là những thông tin hữu ích cho các tư vấn thiết kế khi thiết kế kích thước hình học đoạn đường này.

Ngoài kích thước hình học chọn cho đúng, thì những đoạn mà có thể xảy ra nguy hiểm lớn như đoạn này, nhất là bố trí sau một đoạn cho vượt - tốc độ xe rất cao thì không nên chỉ dựa vào quy trình đặt đúng 1 biển báo đường hẹp cho xong nhiệm vụ, bởi quy trình chỉ quy định những cái tối thiểu, mà cũng cần phải có thêm rất nhiều biển báo đường hẹp khi đến gần (như cách 500m, 200m, 100m), vạch sơn mũi tên chuyển làn lớn liên tục ở khoảng cách xa (như hình bên trên vòng tròn đỏ, mũi tên vẫn chỉ đi thẳng khi đã gần đến chỗ nhập làn), khi vào đoạn hình nêm phải có vạch sơn xương cá, vạch sơn giảm tốc, phía trước có đèn phản quang ép phải chuyển làn ... để bắt buộc người lái phải có ý thức bắt buộc chuyển làn.

Tôi từng chạy cao tốc rất nhiều ở Hàn Quốc, những chỗ mà có khả năng xảy ra nguy hiểm họ bố trí tín hiệu rất kỹ, đủ loại tín hiệu, để ép người lái xe dù có sao nhãng trong phút giây trước đó vẫn ý thức được những gì có ở phía trước. Mình từng thầm cảm ơn những người đã thiết kế (quy trình thiết kế) rất tỉ mỉ và chu đáo như thế - cảm giác như họ đã từng đi qua, hiểu được cảm giác người lái xe, và cố gắng làm sao để an toàn nhất có thể.

Theo như tìm hiểu của tôi ở trên, tiêu chuẩn thiết kế ở Việt Nam chưa có đủ chỉ dẫn cho việc thiết kế đoạn đường này. Việc xác định chiều dài đoạn đường này cần phải có những nghiên cứu sâu hơn, tham khảo nhiều tài liệu hơn, để tính toán cụ thể, phù hợp với điều kiện đường cao tốc ở Việt Nam, trong khuôn khổ 1 bài viết ngắn, những thông tin ngắn ở trên chỉ mục đích tham khảo sơ bộ.

Mặc dù vậy, trong lúc chờ tiêu chuẩn được cập nhập, tôi nghĩ rằng kỹ sư, những người trực tiếp thiết kế có thể tự tham khảo và tìm hiểu thêm những tiêu chuẩn ở nước ngoài để áp dụng. Quy trình thiết kế chỉ quy định những gì tối thiểu phải làm, nhưng những người trực tiếp thiết kế, có thể làm hơn thế nữa, nếu cảm thấy thiết kế đó vẫn còn chút gì đó chưa thực sự an toàn.

Anh Lê Xuân Hùng (cựu sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, hiện đang sinh sống tại Hàn Quốc).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm