Tối 10-3, chị T. (quận Gò Vấp, TP.HCM) đến siêu thị Big C Gò Vấp (792 Nguyễn Kiệm, phường 3) mua khoảng 2kg thịt heo. Khi mang thịt về, chị phát hiện một miếng nạc dăm có dấu hiệu bất thường như nổi các nốt, thậm chí có một nốt to màu xanh, nhìn giống như mủ. Chị liền mang trả lại siêu thị số thịt heo trên.
Kiểm dịch nhưng vẫn dính?
Miếng thịt heo mà chị T. mua vào tối 10-3 có nổi nhiều nốt. Ảnh: MP
“Khi cắt miếng thịt ra, tôi rất hoang mang và không biết phải làm sao. Tôi lên Internet tìm hiểu thì thấy miếng thịt mình mua có biểu hiện giống bệnh heo gạo. Vì vậy, tôi quyết định quay lại siêu thị để hỏi về nguồn gốc thịt heo mà họ đang bán cho người tiêu dùng” - chị T. nói.
Cũng theo chị T., khi chị mang thịt đến, nhân viên của siêu thị đã luôn miệng xin lỗi chị. Họ đề nghị được hoàn lại tiền cho chị và hứa sẽ kiểm nghiệm lại miếng thịt có nổi nốt. Ngoài ra, họ còn hẹn chị quay trở lại để làm việc vào sáng hôm sau (11-3).
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Hoài Thu, phụ trách an toàn thực phẩm của siêu thị, đã đưa cho chị T. xem giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Thú y Đồng Nai cấp cho lô hàng ngày 10-3. Theo giấy chứng nhận kiểm dịch này, lô hàng nhập về ngày 10-3 là 285 kg, trong đó 272 kg là thịt heo, số còn lại là phụ phẩm heo, giò sống. Trong giấy chứng nhận kiểm dịch ghi tên đơn vị chủ hàng là Big C Đồng Nai.
Bà Thu thừa nhận nhìn bằng mắt thường thì miếng thịt heo “có vấn đề” và việc khách hàng mang trả lại siêu thị là xác đáng. “Nguyên một con heo, có chỗ đó bị gạo thì chúng tôi không thể kiểm tra và xé nát hết con heo để coi lại” - bà Thu nói. Bà cũng thông tin ngay sau khi phát hiện có sự cố, siêu thị đã gom lô hàng còn lại đi tiêu hủy. Tuy nhiên, về số lượng tiêu hủy cụ thể thì bà Thu không tiết lộ.
Sẽ làm việc lại với nhà cung cấp
Giấy chứng nhận sản phẩm an toàn từ Chi cục Thú y Đồng Nai.
Trao đổi qua điện thoại với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C, cho biết: Siêu thị đang làm việc với nhà cung cấp và bên thu mua để xác định các thông tin khách quan, chính xác.
“Đến nay, Big C chưa có bất cứ câu trả lời nào vì Big C còn phải xem tất cả những giải trình, giấy tờ chứ không thể kết luận cảm quan được. Một nhân viên của cửa hàng không có quyền kết luận đó là thịt heo bệnh. Trước mắt, Big C nhận lại sản phẩm, ghi nhận đầy đủ ý kiến của người tiêu dùng…”.
Khi được hỏi “nhà cung cấp số heo đó là ai”, bà Trang nói: “Để chắc chắn, tất cả nhân viên đang thu thập hồ sơ để xác định miếng thịt đó đến từ đâu vì Big C có nhiều nhà cung cấp”.
Lý giải về thông tin chủ hàng là Big C Đồng Nai, bà Trang nói: “Chúng tôi mua thịt heo về và cắt ra ở Big C Đồng Nai để giao cho các siêu thị khác. Có nghĩa là đằng sau Big C Đồng Nai là những nhà cung cấp thịt”.
Tiêu điểm: Phải xét nghiệm mới kết luận được Trước khi đưa vào cơ sở giết mổ, nếu heo không được kiểm tra chặt chẽ theo quy định của Bộ NN&PTNT thì nguy cơ heo bệnh đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường có thể xảy ra, cho dù đã được đóng dấu kiểm soát giết mổ. Riêng về bệnh sán gạo, trước đây rất lâu do heo nuôi thả rông rồi có một số heo từ Campuchia đưa sang không được kiểm soát nên có hiện tượng mắc bệnh sán gạo. Hiện nay, heo được nuôi tập trung công nghiệp nên khó bị bệnh này. Tuy nhiên, bằng cảm quan không thể khẳng định heo bị bệnh sán gạo mà phải xét nghiệm mới có thể kết luận. Bà TRƯƠNG THỊ KIM CHÂU, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM TRẦN NGỌC ghi Chỉ mới là nghi vấn ban đầu Chiều 11-3, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai Trần Văn Quang cho biết, hiện chi cục chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào về việc thịt heo trong siêu thị BigC Gò Vấp (TP.HCM) có biểu hiện bị bệnh gạo. Từ thông tin của báo Pháp Luật TP.HCM, ngay trong sáng hôm nay (12-3), chúng tôi sẽ trực tiếp xuống siêu thị BigC Đồng Nai để kiểm tra làm rõ số thịt heo nêu trên. Đây mới chỉ là nghi vấn ban đầu, cần phải kiểm tra kỹ mới xác định thịt heo bị bệnh gạo hay không”. Cũng theo ông Quang, hiện nay ở Đồng Nai hầu hết các hộ chăn nuôi heo đều nuôi theo kiểu công nghiệp, chuồng trại khép kín vì vậy heo bị mắc bệnh gạo là rất hiếm. Trước đây, do heo được thả rông ngoài vườn và ăn phải sán xơ mít (tên khoa học là Taeniasis), sau đó loại sán này sẽ sống ký sinh trùng (có tên là khoa học là Cysticercosis) ngay trên cơ thể của lợn thì được coi là đã mắc bệnh gạo. Ấu trùng sán heo có thể tồn tại và phát bệnh sau 7, 8 năm, thậm chí 20 năm. Người ăn thịt heo bị bệnh gạo mà chưa nấu chín kỹ thì rất có thể mắc bệnh sán dây heo trưởng thành, từ đó sẽ mắc bệnh ấu trùng sán heo. VĂN NGỌC |
MAI PHƯƠNG