Thỏa thuận bảo mật thông tin: Khi người lao động và doanh nghiệp tranh chấp, ai giải quyết?

(PLO)- Thẩm quyền giải quyết loại tranh chấp này là tòa án hay trọng tài sẽ phụ thuộc vào sự lựa chọn của các bên khi ký thỏa thuận bảo mật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 10-2023, TAND Tối cao đã công bố Án lệ số 69 về thẩm quyền của trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh (gọi tắt là thỏa thuận NDA) - loại thỏa thuận mà trên thực tế nhiều người lao động khi làm việc sẽ ký với doanh nghiệp.

Nguồn án lệ dựa trên Quyết định 755/2018/QĐ-PQTT ngày 12-6-2018 của TAND TP.HCM về việc dân sự yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Người yêu cầu là bà T; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty R.

Phải bồi thường vì vi phạm thỏa thuận

Năm 2015, bà T là trưởng bộ phận tuyển dụng của Công ty R. Hai bên ký kết thỏa thuận NDA có nội dung là trong thời gian làm việc với Công ty R và trong thời gian 12 tháng dương lịch sau khi chấm dứt tuyển dụng hoặc kết thúc làm việc với Công ty R, bà T không trực tiếp hoặc gián tiếp và trên toàn bộ phạm vi lãnh thổ, thực hiện công việc tương tự hoặc về bản chất tương tự công việc vào bất kỳ công việc kinh doanh nào cạnh tranh với Công ty R hoặc các đơn vị liên kết và các đối tác của Công ty R... Các bên cũng thỏa thuận nếu xảy ra tranh chấp sẽ được giải quyết bằng phán quyết trọng tài.

thỏa thuận bảo mật thông tin

Ngày 18-11-2016, bà T chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Ngày 2-10-2017, Công ty R đã khởi kiện bà T tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), yêu cầu bồi thường hơn 205 triệu đồng vì đã vi phạm thỏa thuận NDA.

Ngày 19-2-2018, Hội đồng trọng tài thuộc VIAC lập tại TP.HCM đã ra phán quyết chấp nhận yêu cầu của Công ty R, buộc bà T phải bồi thường hơn 205 triệu đồng.

Không đồng tình, bà T khởi kiện tại TAND TP.HCM yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, TAND TP.HCM đã không chấp nhận yêu cầu của bà T và những lập luận của tòa án được đưa vào Án lệ số 69.

Khi các bên đã thỏa thuận lựa chọn trọng tài thì lúc này TAND không có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.

Nội dung án lệ

Hội đồng xét đơn nhận định bà T cho rằng tranh chấp về thỏa thuận NDA sẽ do tòa án giải quyết, tuy nhiên theo khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài bao gồm tranh chấp phát sinh giữa các bên, trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Công ty R là thương nhân, có đăng ký kinh doanh, có hoạt động thương mại. Do đó, thỏa thuận trọng tài thuộc thẩm quyền giải quyết của VIAC và trọng tài.

Cạnh đó, khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ”.

Trong khi đó, tại bản tự bảo vệ cũng như trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, bà T không đưa ra bất cứ phản đối nào đối với thẩm quyền của trọng tài mà vẫn tiếp tục tố tụng trọng tài, vẫn tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp. Như vậy, bà T đã mất quyền phản đối về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài theo Điều 13 Luật Trọng tài thương mại (hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP).

Ngoài ra, bà T cho rằng đây là tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, vì thỏa thuận NDA là một phần không thể tách rời của các HĐLĐ giữa bà T và Công ty R. Tuy nhiên, tại bản luận cứ của luật sư của bà T tại VIAC và tại phiên họp cuối cùng, luật sư của bà T đã khẳng định thỏa thuận NDA hoàn toàn độc lập với các HĐLĐ giữa Công ty R và bà T. Do đó, Hội đồng xét đơn xác định thỏa thuận NDA là thỏa thuận độc lập, khi có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài như sự lựa chọn của các bên từ khi ký kết.

Án lệ số 69 là cần thiết

Án lệ số 69 không liên quan đến hiệu lực hay thực hiện thỏa thuận NDA mà chỉ tập trung vào xác định tranh chấp giữa người lao động cũ và người sử dụng lao động cũ về thỏa thuận này có được giải quyết tại trọng tài thương mại hay không?

Cụ thể, án lệ xác định tranh chấp này được giải quyết tại trọng tài thương mại khi các bên có thỏa thuận trọng tài.

Với vai trò là thành viên Hội đồng tư vấn án lệ TAND Tối cao, tôi đã ủng hộ án lệ này ngay từ đầu. Bởi lẽ thực tế có quan điểm trái chiều về khả năng giải quyết loại tranh chấp này tại trọng tài thương mại nên cần có án lệ để giải quyết thống nhất.

Cụ thể, có quan điểm cho rằng đây là tranh chấp lao động nên thẩm quyền giải quyết thuộc về TAND dù các bên có thỏa thuận trọng tài. Ngược lại, có quan điểm cho rằng đây không còn là tranh chấp lao động nữa vì sự việc dẫn tới tranh chấp chỉ xuất hiện sau khi HĐLĐ kết thúc nên tranh chấp được giải quyết tại trọng tài thương mại khi có thỏa thuận trọng tài.

Ở đây án lệ đã theo hướng của quan điểm thứ hai, tức tranh chấp nêu trên “thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại”, điều này là phù hợp, theo khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Với án lệ này, tranh chấp giữa người sử dụng lao động cũ và người lao động cũ về thỏa thuận NDA có thể được giải quyết tại trọng tài thương mại nếu các bên có thỏa thuận trọng tài hay tại TAND nếu các bên không có thỏa thuận trọng tài.

Với hướng như trên, các bên liên quan có sự lựa chọn về phương thức giải quyết là giải quyết tranh chấp tại tòa án (không cần có thỏa thuận chọn tòa án) hay tại trọng tài thương mại (khi có thỏa thuận trọng tài và lúc này TAND không có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp). Điều này sẽ tạo điều kiện cho các bên.

Cũng nói thêm, khi ký thỏa thuận NDA, các bên thường xuyên thỏa thuận chọn trọng tài thương mại, vì theo phương thức này, tranh chấp sẽ được giải quyết nhanh (do không bị phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm) và bảo mật (do không công khai như tại tòa án). Điều này tốt cho các bên vì sớm chấm dứt tranh chấp giữa các bên và việc giải quyết này được bảo mật.

Với án lệ này, tranh chấp sẽ được giải quyết tại trọng tài thương mại và tranh cãi nêu trên đã có lời giải đáp.

GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm