Như PLO đã thông tin, vừa qua Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa Cao Hữu Thịnh về hành vi làm lộ tình trạng bệnh, thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án.
Từ vụ việc này nhiều bạn đọc thắc mắc pháp luật quy định như thế nào về việc bảo mật thông tin bệnh nhân, nếu vi phạm sẽ bị xử lý sao?
Trao đổi với PLO, Luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Điều 21 Hiến pháp 2013 và Điều 38 BLDS 2015 đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Cạnh đó, khoản 2 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là tôn trọng quyền của người bệnh; giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Đây cũng là nghĩa vụ đối với nghề nghiệp của người hành nghề khám chữa bệnh theo quy định tại khoản 5 Điều 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 là “Giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án”.
Cũng theo luật sư Ý, các thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh (khoản 2 Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009).
Thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư trong hồ sơ bệnh án cũng được công khai trong các trường hợp khác như sinh viên thực tập, nghiên cứu viên, người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được mượn hồ sơ bệnh án để đọc hoặc sao chép phục vụ cho việc nghiên cứu hoặc công tác chuyên môn kỹ thuật hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý hay cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án...( khoản 4 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009).
Theo LS Ý, hiện nay, nhiều trường hợp các phòng khám, các bác sĩ sử dụng mạng xã hội để livestream, đăng video, đưa hình ảnh của bệnh nhân để quảng cáo cho tên tuổi của mình. Việc làm này như con dao hai lưỡi, có thể sẽ có nhiều bệnh nhân biết và tìm đến họ. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội để “kể công trạng” trị bệnh cũng vô tình làm lộ các thông tin của người bệnh.
Nếu người bệnh đồng ý thì đây được xem như là sự thỏa thuận của đôi bên theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không đồng ý hoặc các bác sĩ quay lén rồi đăng lên mạng mà không xin phép người bệnh thì đây được xem là hành vi làm lộ thông tin của bệnh nhân. Hành vi này sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng theo điểm c khoản 3 Điều 38 Nghị định 117/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cạnh đó, phía người bệnh có thể khởi kiện yêu cầu gỡ hình ảnh, thông tin bị lộ và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).