Thỏa thuận bí mật của 2 đứa trẻ trong phiên tòa ly hôn

(PLO)- Cuối cùng thì tôi đã hiểu vì sao trong lúc nghị án, tòa lại gọi hai đứa trẻ vào, và kết quả là bản án được tuyên theo quyết định tự chia của chúng nó...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người chồng là một chủ thầu xây dựng, thường xuyên vắng nhà hàng tháng vì các công trình ở xa. Người vợ ở nhà chăm hai đứa con, lớn 9 tuổi và nhỏ 6 tuổi. Một căn nhà 3 tầng lầu bề thế, tọa lạc trong một khuôn viên rộng 200 mét vuông, có tường rào bao quanh và chiếc cổng sắt vững chắc. Ai cũng tưởng họ sẽ rất hạnh phúc với gia cảnh như vậy. Tiếc rằng…

Mâu thuẫn giữa vợ chồng phát sinh từ cái hoàn cảnh xa nhau như thế. Người chồng gần năm mươi tuổi, cặm cụi làm ăn, chăm chút cho vợ, cho con, chả biết ông có gì ngoài luồng không, nhưng nhìn cái cơ ngơi ấy cũng đủ biết ông là người có trách nhiệm. Người vợ mới ngoài ba mươi tuổi, nhan sắc mặn mà, chịu khó chăm nuôi con mong chồng về kèm theo một nỗi đơn chiếc vò võ…

Đùng cái, người vợ đâm đơn ra tòa xin li dị khiến người chồng hụt hẫng. Ông nhờ thám tử điều tra xem đằng sau lá đơn xin ly dị kia là điều gì… Kết quả điều tra của thám tử làm ông choáng váng, nhưng vì còn yêu vợ, thương con nên ông cương quyết không chịu ký đơn, động viên vợ quay về và kiên trì yêu cầu tòa hòa giải. Để chứng tỏ mình là người đàn ông chân chính, sau những níu kéo mãi không được, ông đành chấp nhận ly hôn, cho vợ hẳn căn nhà ba tầng lầu ấy, chỉ tha thiết xin được nuôi cả hai con, vì lý do “Cô ấy không còn đủ tư cách người mẹ để nuôi dạy con” với những bằng cớ là những tấm ảnh, tin nhắn giữa vợ ông và người thứ ba mà ông trưng ra trước tòa... Người vợ phủ nhận toàn bộ những bằng cớ ấy và cũng nằng nặc đòi nuôi cả hai đứa con, và nêu lý do “Ông ấy đi quanh năm suốt tháng, làm sao chăm nuôi con được”? Tòa cố gắng hòa giải đoàn tụ, nhưng không thành, đành phải mở phiên tòa xét xử…

Hai đứa trẻ cũng đến tòa nhưng người cô ruột đưa chúng ra ngoài sân, ngồi chờ ở hàng ghế đá dưới bóng cây râm mát. Thằng anh 9 tuổi mà người nhỏ thó, ốm nhom. Thằng em 6 tuổi mà bụ bẫm, khỏe mạnh và nhanh nhẹn.

Một điều đặc biệt là, Hội đồng xét xử gồm thẩm phán chủ tọa và hai hội thẩm là nữ. Họ đều đứng tuổi và có kinh nghiệm xét xử những vụ án ly hôn. Phiên tòa diễn ra trong sự đấu khẩu căng thẳng giữa hai bên, không bên nào chịu nhường bên nào. Phiên tòa tuần tự qua các giai đoạn tố tụng xét hỏi, tranh luận và bà chủ tọa tuyên bố Tòa tạm nghỉ vào nghị án.

***

Thời gian nghị án thật lâu…

Bỗng cô thư ký tòa ra yêu cầu cho hai đứa trẻ vào phòng nghị án…

Chuông reo.

Hội đồng xét xử ra tuyên án.

Bà thẩm phán tuyên đọc bản án với cái giọng xúc động, tuyên xử chia hai đứa con cho hai người nuôi. Người vợ nuôi đứa lớn, người chồng nuôi đứa nhỏ, ghi nhận sự tự nguyện của người chồng nhường cả căn nhà 3 tầng lầu cho người vợ.

Chia con như thế thật là công bằng !!!

Nếu ai đó để tâm, nhìn kỹ khuôn mặt bà thẩm phán sẽ thấy đôi mắt bà đỏ hoe như vừa trải qua một nỗi niềm nào đó trong lúc nghị án, hai hội thẩm cũng không giấu được vẻ mặt xúc động, khiến những người tham dự phiên tòa như cũng mủi lòng…

Rời phiên tòa, tôi cứ bị ám ảnh về khuôn mặt, đôi mắt và giọng đọc án của bà thẩm phán. Điều gì đã xảy ra trong lúc nghị án khiến bà có tâm trạng như thế? Phải chăng đó là tâm trạng của người mẹ trước số phận của hai đứa con, bà đã cố gắng để chúng có nhau trong cùng một mái ấm, cùng một tình thương yêu của ba mẹ, nhưng đành bất lực? Và tôi tìm gặp bà…

***

Cuối cùng thì tôi đã hiểu, vì sao trong lúc nghị án, Tòa lại gọi hai đứa trẻ vào…

Tiếp tôi trong phòng làm việc, bà thẩm phán từ tốn kể lại bằng cái giọng Nam bộ, nhỏ nhẹ và thấm thía…

Và đây là diễn biến của tình huống nghị án mà tôi ghi lại theo lời kể của bà.

- Các con có biết hôm nay Tòa xử điều gì không?

Đứa bé nhanh nhảu :

- Dạ, chúng con biết, Tòa xử cho ba mẹ con ly hôn.

- Ừ, ba mẹ con không còn yêu nhau nữa, xin ly hôn mà Tòa không muốn, Tòa muốn ba mẹ con cùng ở một nhà, cùng nuôi các con, con hiểu không?

- Dạ, chúng con hiểu.

- Nhưng tòa đã cố gắng lắm mà không được, đành phải quyết định cho ba mẹ các con ly hôn, tức là chia tay nhau, không sống cùng một nhà nữa, các con có buồn không?

- Dạ, buồn ạ.

- Bây giờ, cả hai bố mẹ các con cùng đòi nuôi các con, không ai chịu ai. Tòa mời các con vào đây để hỏi xem ý các con thế nào?

Cả hai đứa im lặng. Một lúc sau, thằng em nhìn thằng anh, nói :

- Cô hỏi đấy, anh Hai nói đi…

Thằng Hai cúi mặt, lát sau nhìn bà thẩm phán, giọng run run, khuôn mặt đẫm nước mắt, nói lý nhí, không thành tiếng…

Thằng em có vẻ sốt ruột, bèn giơ tay : - Con có ý kiến ạ.

- Ừ, anh Hai không nói được thì con nói đi.

- Chúng con đã bàn nhau rồi. Chúng con biết ba mẹ rất yêu thương chúng con. Chúng con cũng thế. Nhưng ba mẹ không muốn sống với nhau thì chúng con đành "hy sinh" (chữ dùng của thằng bé) thôi. Con là em, nhưng con khỏe hơn anh Hai, anh Hai ốm hơn nên chúng con tự chia nhau thế này được không?

Nó dừng lại, ngước mắt nhìn bà thẩm phán.

- Con cứ nói đi, các con tự chia thế nào?

- Dạ, anh Hai ốm yếu hơn con, cần có mẹ chăm sóc nên anh Hai ở với mẹ, con khỏe hơn nên con ở với ba, rồi lúc nào nhớ nhau, chúng con đến thăm nhau cũng được cô ạ…

Nói đến đây, thằng bé khóc òa lên, nức nở khoanh tay cúi chào các cô rồi kéo tay anh Hai nó cũng đang nức nở, chạy ra ngoài…

Và thế là, bản án được tuyên theo quyết định tự chia của chúng nó.

***

Chào bà thẩm phán bước ra, tôi cứ tự hỏi, không biết ba mẹ chúng suy nghĩ gì khi biết những điều đã xảy ra với hai đứa bé trong phòng nghị án. Và những ông bố, bà mẹ đang bước vào những phiên tòa ly hôn sẽ nghĩ gì về thân phận của những đứa con, nạn nhân trong các cuộc ly hôn…

Tự nhiên, tôi nhớ lại bài thơ "Hai chị em" của nhà thơ Vương Trọng (xin phép tác giả bài thơ):

- Nín đi em, Bố Mẹ bận ra tòa!

Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi

Thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói

Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.

Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm

Không nấu nướng và không hề trò chuyện

Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm

Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?

Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu

Ngoài hai tiếng ra tòa vừa nghe nói

Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi

Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về.

Mẹ bế em âu yếm, vuốt ve

Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp

Nó sung sướng vào ra tíu tít

Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra!

Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa

Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý

Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký

Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa.

Nó biết đâu Bố Mẹ nó ra tòa

Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ

Đứa còn Mẹ thì thôi, không còn Bố

Hai chị em rồi sẽ mất nhau…

Nín đi em! Em khản giọng khóc gào

Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt

Những bố mẹ bên bờ chia cắt

Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm