Thời Báo Hoàn Cầu: Gây hấn để định vị

Thời Báo Hoàn Cầu là phụ bản của Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc. Đây là báo liên tục đăng xã luận với giọng điệu gay gắt, trịch thượng và hăm dọa đối với Việt Nam và Philippines, hai nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông.

Ngày 4-7, hai ngày sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho biết có thể đề nghị Mỹ triển khai máy bay do thám đến biển Đông để hỗ trợ Philippines giám sát lãnh hải, Thời Báo Hoàn Cầu đã đăng xã luận với nhan đề Trung Quốc đối mặt với quấy rối dài hạn trong khu vực.

Bài xã luận viết rất hồ đồ: Philippines đã hứng chịu thất bại trong tranh chấp đảo Hoàng Nham (tức bãi cạn Scarborough) với Trung Quốc (ý nói tàu Philippines đã rút khỏi bãi cạn) nhưng vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Trung Quốc sẽ còn bị Philippines, Việt Nam và các nước khác ở biển Đông quấy rối một thời gian dài nữa”.

Tiếp đó, bài xã luận lên giọng kẻ cả: “Trung Quốc có nhiều cách để dạy cho Philippines một bài học nhưng chúng ta không được phép dễ dãi sử dụng các cách này”.

Rồi bài xã luận được đẩy lên cao trào sặc mùi hiếu chiến: “Philippines và Việt Nam đáng bị trừng phạt. Nếu tiếp tục khiêu khích chống Trung Quốc, các nước có thể bị trừng phạt bằng nhiều biện pháp, trong đó có tấn công quân sự”.

Thời Báo Hoàn Cầu: Gây hấn để định vị ảnh 1

Thời Báo Hoàn Cầu ấn bản tiếng Anh đăng bài viết trên trang nhất kêu gọi Trung Quốc củng cố hải quân. Ảnh: DIGITAL JOURNAL

Nhân chuyến thăm Mỹ của tổng thống Philippines, xã luận đăng trên Thời Báo Hoàn Cầu ngày 9-6 có đoạn: “Hãy để cho Philippines hứng chịu tổn thất về chính trị vì đã đối đầu với Trung Quốc… Trung Quốc nên cắt đứt liên lạc với các nhà lãnh đạo cấp cao Manila, khước từ các chuyến thăm đặc sứ của Philippines, tiếp tục cấm Philippines xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, trong đó có chuối, ngưng các tour du lịch đến nước này…”.

Tại sao Thời Báo Hoàn Cầu thường xuyên đăng xã luận mang tính chất kích động hằn thù dân tộc và hung hăng như vậy?

Tạp chí Chính Sách Ngoại Giao của Mỹ số tháng 10-2011 đã từng tìm câu trả lời cho câu hỏi nêu trên. Tạp chí dẫn lời nhà bình luận Michael Anti người Trung Quốc nhận định: Thời Báo Hoàn Cầu lấy chủ nghĩa dân tộc làm mốc định vị trên thị trường để thu lợi nhuận.

Michael Anti so sánh Thời Báo Hoàn Cầu không khác gì các báo “lá cải” của trùm truyền thông Mỹ Rupert Murdoch và về cơ bản giống đài truyền hình Fox News của Mỹ (bảo vệ các quan điểm bảo thủ và thành kiến chính trị).

Chuyên gia về báo chí Trung Quốc Jeremy Goldkorn, người sáng lập trang báo mạng Danwei.org ở Mỹ (chuyên đưa tin về Trung Quốc), phân tích phong cách gây hấn trong các bài xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu là sản phẩm của hai xu hướng hội tụ:

- Quan điểm đưa chủ nghĩa yêu nước vào trường học của Chủ tịch Giang Trạch Dân.

- Tính chất thúc bách phải tìm kiếm lợi nhuận từ số báo đặt mua và quảng cáo vì chính phủ đã cắt giảm ngân sách bao cấp cho báo chí.

Chuyên gia Jeremy Goldkorn cho rằng Tổng biên tập Hồ Tích Tiến đã nhận ra hai xu hướng này có thể song hành hỗ trợ nhau.

Hồi tháng 11 năm ngoái, báo Asia Sentinel của Hong Kong đã từng đăng bài viết so sánh Thời Báo Hoàn Cầu như “cái máy ủi về chính sách đối ngoại của Trung Quốc”. Báo phân tích ngoài mục đích lợi nhuận, Thời Báo Hoàn Cầu còn gánh vác bốn nhiệm vụ khác:

- Định hình ấn tượng của độc giả bên ngoài về những gì mà người dân Trung Quốc nghĩ.

- Giảm áp lực nhượng bộ trong các đàm phán quốc tế có liên quan đến Trung Quốc bằng cách giương cao chiêu bài chủ nghĩa dân tộc.

- Đóng vai trò như van xả an toàn, cho phép những dồn nén chủ nghĩa dân tộc có nơi để giải tỏa.

- Đe dọa các công ty dầu khí nước ngoài có ý định hợp tác khai thác dầu khí với các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Trưởng ban xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu Vương Văn từng nhìn nhận: “Những người theo chủ nghĩa tự do nói Thời Báo Hoàn Cầu bán chạy nhờ thúc đẩy và quảng bá chủ nghĩa dân tộc…”.

Hồ Tích Tiến sinh năm 1960, làm phóng viên cho Nhân Dân Nhật Báo sau khi tốt nghiệp ĐH Quan hệ quốc tế Nam Kinh và lấy bằng thạc sĩ ngôn ngữ và văn học Nga ở ĐH Nghiên cứu quốc tế Bắc Kinh năm 1989. Từ năm 1993 đến 1996, Hồ Tích Tiến là phóng viên thường trú của Nhân Dân Nhật Báo ở Nam Tư. Sau đó, Hồ Tích Tiến trở về Bắc Kinh, giữ chức phó tổng biên tập và tổng biên tập Thời Báo Hoàn Cầu. Năm 1999, Hồ Tích Tiến cho phát hành Thời Báo Hoàn Cầu bản tiếng Anh.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm