Theo dòng thời sự

Thời điểm vàng để du lịch TP.HCM và 13 tỉnh đồng bằng cất cánh

(PLO)- Ước tính đến cuối năm, tổng số khách đến ĐBSCL đạt hơn 44 triệu lượt, tăng 201% so với năm 2021; doanh thu du lịch vùng ĐBSCL đến cuối năm ước tính đạt gần 34.000 tỉ đồng, tăng 217% so với năm 2021…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đây là những con số ấn tượng được lấy ra từ báo cáo sau chín tháng phối hợp, liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Chiến lược liên kết phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên thực tế đã được TP và các địa phương lên ý tưởng thực hiện từ năm 2019. Để cụ thể hóa chương trình liên kết này, từ đó đến nay TP.HCM đã ban hành nhiều kế hoạch, quyết định như Kế hoạch 840/2020, Quyết định 1343/2021, Kế hoạch 2079/2021, Kế hoạch 2080/2021, Kế hoạch 726/2022… Đỉnh cao là ngày 18-3-2022, 14 tỉnh, thành đã hoàn thiện và ban hành quy chế phối hợp thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch như chiến lược đã vạch ra trước đó.

Đặc biệt, thỏa thuận liên kết này được ký kết chỉ sau ba ngày Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế (15-3) sau hai năm tạm ngưng để phòng chống dịch COVID-19. Đây chính là thời điểm vàng, là chiến lược then chốt và là cơ hội để mở cánh cửa mới cho các địa phương thể hiện sức mạnh trong việc quảng bá các sản phẩm du lịch vùng, miền đến du khách trong và ngoài nước.

Nhìn ở góc độ khác, chương trình hợp tác không chỉ đơn thuần là sự hợp tác giữa các địa phương mà còn thể hiện sự quan tâm, khích lệ, gỡ vướng và thúc đẩy của chính quyền 14 tỉnh, thành trong việc nỗ lực vực dậy và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Và sau chín tháng liên kết, 14 tỉnh, thành đã tạo những đột phá mới với nhiều hy vọng mới như những con số ấn tượng mà nhiều địa phương đã báo cáo. Điển hình, chỉ riêng cụm phía tây ĐBSCL đã thu hút 29 triệu lượt khách với doanh thu 29.000 tỉ đồng. Đặc biệt, cơ hội thu hút du khách giữa các tỉnh, thành là vô cùng tiềm năng. Như Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu đã nói: Nếu làm bài toán hoán đổi 1/3 của 10 triệu dân ở TP.HCM về du lịch ở ĐBSCL và 1/3 của 20 triệu dân của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đến du lịch ở TP.HCM sẽ góp phần tháo gỡ các khó khăn trước mắt của doanh nghiệp.

Trong 11 tháng đầu năm, gần 3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam và khách nội địa đã cán mốc 100 triệu lượt. Những con số biết nói này cho thấy trên thực tế nhu cầu du lịch của người dân và du khách là rất lớn, đặc biệt sau thời gian dài bị “kìm hãm” do dịch. Vấn đề đặt ra là du khách trong và ngoài nước cần được hưởng thụ những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng được đa dạng nhu cầu và mong muốn của mọi đối tượng khách.

Chính các địa phương trong chương trình liên kết cũng đều nhận định sự phối hợp giữa 14 tỉnh, thành cần quyết liệt hơn nữa, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, các sản phẩm cần đặc sắc hơn nữa để tận dụng cơ hội vàng xây dựng thương hiệu du lịch vùng giữa TP.HCM và ĐBSCL. Đây cũng sẽ là những sản phẩm đặc trưng mang tính đột phá để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Và chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự liên kết này, bởi chương trình tổng kết thỏa thuận giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2022 (ngày 16-12) đã cho thấy nhiều hy vọng, cơ hội khi những khó khăn được tìm rõ ngọn nguồn cùng những vướng mắc đã được kiến nghị, gợi mở để tháo gỡ.

Những quả ngọt ban đầu của sự liên kết ấy chính là kỳ vọng của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng: “Với sự chủ động, quyết liệt phối hợp chặt chẽ của 14 tỉnh, thành trong liên kết với các kế hoạch cụ thể hằng năm, tin rằng chúng ta có thể xây dựng thương hiệu du lịch vùng giữa TP.HCM và ĐBSCL trở thành thương hiệu du lịch mạnh của Việt Nam và cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm