Thời kỳ căng thẳng nhất của tỷ giá đã qua, lãi suất điều hành sẽ đi ngang?

(PLO)- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng chưa cao. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-6, báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - Năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024).

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực và một số chuyên gia khác đã có những phân tích về thuận lợi và khó khăn của bối cảnh thế giới cũng như trong nước hiện nay.

Thời kỳ căng thẳng nhất của tỷ giá đồng Việt Nam đã qua đi
"Thị trường bất động sản dù có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý; tăng trưởng tín dụng chưa cao, 5 tháng mới đạt 2,41%, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn"- Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ - Ảnh: Ngọc Diệp

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong tháng 5, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, tình hình đăng ký doanh nghiệp đã có chuyển biến rất tốt trong tháng 5; số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 5 là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 10,6% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11.400 doanh nghiệp). Tính chung 5 tháng, có 98.800 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,1%, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (97.300 doanh nghiệp).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương băn khoăn về việc áp lực lạm phát, tỷ giá cũng đang gia tăng; sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; cầu tiêu dùng vẫn tăng thấp…Thị trường bất động sản dù có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý; tăng trưởng tín dụng chưa cao, 5 tháng mới đạt 2,41%, tiếp cận vốn còn khó khăn;

Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng; thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn; quản lý thị trường vàng còn bất cập…

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Thời kỳ căng thẳng nhất của tỷ giá đồng Việt Nam đã qua đi
"Khoảng 2 tuần gần đây, đồng USD đang giảm giá trở lại khoảng hơn 1,4%, các đồng tiền khác, trong đó có tiền đồng Việt Nam tăng giá, xuất khẩu chắc chắn bị ảnh hưởng"- Chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích - Ảnh: Ngọc Diệp

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát tính đến hiện tại tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát có thể nhích lên một chút trong thời gian tới tuy nhiên sẽ bình ổn. Ông Lực dự báo lãi suất điều hành trong nước sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm.

"Tín dụng hiện nay tăng 2,41%, thấp hơn so với mức 3,27% cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tăng trưởng tín dụng này phù hợp với sức cầu của nền kinh tế. Còn nếu so với cùng kỳ năm 2023, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 12,3%. Thời kỳ căng thẳng nhất của tỷ giá đã qua, áp lực tỷ giá thời gian tới sẽ giảm đáng kể"- ông Cấn Văn Lực dự báo.

Phân tích về cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam, chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến việc bối cảnh toàn cầu đối với xuất khẩu Việt Nam đang cải thiện đáng kể.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%.

Xuất khẩu sang các thị trường chính trong đó có Mỹ tăng trưởng đến 21%, sức cầu trên toàn cầu đã hồi phục trở lại, dù rằng số lượng đơn hàng chủ yếu trong ngắn hạn.

Theo ông Lực, khoảng 2 tuần gần đây, đồng USD đang giảm giá trở lại khoảng hơn 1,4%, các đồng tiền khác, trong đó có tiền đồng Việt Nam tăng giá, xuất khẩu thời gian tới chắc chắn bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra các thách thức tồn tại mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt bao gồm:

Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng yếu kém gặp nhiều thách thức, căng thẳng tỷ giá dù giảm nhưng vẫn tồn tại, nợ xấu gia tăng; Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý và lành mạnh hóa.

Thể chế cho các lĩnh vực kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn) còn chậm được ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ còn đang diễn ra,...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm