Kinh tế đêm, du lịch đêm là vấn đề mới và khó

(PLO)- Theo Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, việc phát triển kinh tế đêm, du lịch đêm là vấn đề mới và khó, chỉ một mình ngành du lịch khó có thể làm được mà đó là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng chiều 5-6, các đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đến chính sách phát triển du lịch đêm, hay chính sách về miễn thị thực nhằm thu hút khách quốc tế.

Có lộ trình cụ thể để phát triển kinh tế đêm

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) nhìn nhận với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết của Việt Nam, “du lịch đêm” là một hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, theo bà, sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách, mặt khác tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Từ đó, bà Hương đề nghị bộ trưởng đưa ra các giải pháp khắc phục.

Phát triển du lịch đêm là vấn đề mới và khó
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi). Ảnh: PHẠM THẮNG

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Thủ tướng đã ban hành Quyết định về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ VH-TT&DL xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm. Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, TP để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm.

Nhờ sự nỗ lực của Bộ và các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực.

Dẫn chứng, Bộ trưởng Hùng nói Hà Nội đã phát huy các di tích, trở thành nơi du lịch văn hóa như Văn miếu Quốc Tử giám là nơi tinh hoa đạo học hay giới thiệu tinh hoa văn hóa của Thủ đô; ở Ninh Bình có đêm cố đô Hoa Lư; ở TP.HCM có sắc màu đêm Sài Gòn… Các loại hình văn hóa, phố đi bộ, ẩm thực đường phố… cũng đã giúp thu hút nhiều du khách đến thưởng ngoạn…

Tuy nhiên, ông nói đây là vấn đề mới và khó, không chỉ một mình du lịch làm được mà đó là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp nên cần có giải pháp căn cơ. “Phải có quy hoạch cụ thể, có khu kinh tế đêm ở đâu. Chúng ta không thể phát triển xen kẽ, làm thế nào có đêm yên tĩnh cho người dân nghỉ ngơi khi bên này hoạt động, bên kia ngủ?” – ông nói thêm.

vi-sao-300-ti-dong-ho-tro-phuc-hoi-du-lich-van-nam-trong-tai-khoan-ngan-hang.jpg
Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cạnh đó là bài toán về lực lượng lao động, chế độ chính sách cho những đối tượng liên quan… Hơn nữa, trưởng ngành văn hóa cho rằng muốn làm thì phải có nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, nếu không làm cẩn thận sẽ gặp phải tình trạng “nửa đường bị bỏ lại”.

Thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm có thể làm được nhưng cần dựa trên thiết chế văn hóa từng địa phương, phát triển các loại hình ẩm thực, mở thêm các cửa hiệu mua sắm, tăng trải nghiệm cho du khách. “Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu và cần có lộ trình để đảm bảo tính hiệu quả của du lịch đêm” – ông nói.

Xếp hạng du lịch Việt Nam nằm ở mức trung bình

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) đánh giá chính sách miễn thị thực là một trong các giải pháp phục hồi du lịch và đã được Chính phủ đề xuất, Quốc hội thông qua sau đại dịch COVID-19. Bà đề nghị Bộ trưởng đánh giá hiệu quả của giải pháp này trong tăng trưởng du lịch quốc tế, có nên tiếp tục mở rộng diện áp dụng với chính sách miễn thị thực và hướng tới khu vực để đạt hiệu quả cao nhất?

phat-trien-kinh-te-dem-la-van-de-moi-va-kho-nguyen-thi-ha.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh). Ảnh: PHẠM THẮNG

Về vấn đề này, Bộ trưởng VH-TT&DL cho biết nhiều quốc gia khác sử dụng chính sách miễn thị thực như một lợi thế trong cạnh tranh về du lịch. Việt Nam cũng nhận thức được điều này và đã sửa đổi thông qua tại một phiên họp Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tạo điều kiện mở cửa, thúc đẩy phát triển du lịch.

Cũng theo ông Hùng, đánh giá xếp hạng báo cáo du lịch thế giới thì Việt Nam nằm ở mức trung bình. Qua tham khảo mô hình một số quốc gia, Bộ VH-TT&DL đã báo cáo Chính phủ có giải pháp đánh giá tổng thể chính sách visa trên tất cả các bình diện về kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng và an ninh theo chủ trương, pháp luật của Việt Nam.

Đồng thời, Bộ cũng đề xuất các giải pháp ưu tiên theo hướng song phương - đối đẳng có đi có lại, bạn miễn visa cho ta, ta miễn visa cho bạn. "Đây là cơ sở để tiếp tục mở rộng visa trong xuất nhập để hỗ trợ cho hoạt động du lịch" - ông Hùng nhấn mạnh.

Đã bố trí một dự án về chuyển đổi số du lịch

Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho rằng ngành du lịch thời gian qua có sự phục hồi và phát triển rất tích cực, khách du lịch quốc tế cũng như nội địa đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị nói chung, trong đó có ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chưa xây dựng đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương và địa phương, giữa ngành du lịch với các ngành khác. Giải pháp giải quyết vấn đề này để ngành du lịch phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết trong nền kinh tế số thì rõ ràng ngành du lịch càng phải chuyển đổi. Trong thời gian qua, ngành du lịch đã đề xuất và cũng đã được Chính phủ, Quốc hội bố trí một dự án về chuyển đổi số trong du lịch từ nguồn vốn phục hồi.

Dù vậy, nguồn vốn cho dự án này chỉ thực hiện trong hai năm nên Bộ cũng đã báo cáo với Chính phủ cho phép lồng ghép vào nguồn vốn đầu tư công để có thể triển khai thực hiện, tránh lãng phí nguồn vốn ban đầu được đầu tư từ chương trình phục hồi kinh tế…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm