Kiểm toán Nhà nước không phải cơ quan điều tra nên khó đi đến cùng sự việc

(PLO)- Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định cơ quan kiểm toán đang thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đúng vai, thuộc bài…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-6, Quốc hội tiếp tục thực hiện phiên chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm trả lời của Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) dẫn dắt: Từ vụ án tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An và nhiều vụ án tham nhũng khác cho thấy có sự sự câu kết giữa doanh nghiệp ngoài nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các cơ quan để trục lợi tài sản của nhà nước.

Theo ĐB, tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước không thuộc đối tượng kiểm toán nhà nước, nhưng có tham gia thực hiện các dự án liên quan đến sử dụng tài chính công, tài sản công, đầu tư công.

nguyen-manh-cuong.jpeg
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình).

“Vì vậy đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết qua các vụ việc này thì đồng chí có kiến nghị gì để kiểm toán nhà nước có thể tham gia, phát hiện, phòng ngừa ngăn chặn các vụ việc xảy ra trong thời gian tới?” – ĐB Cường chất vấn.

Trả lời nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay các tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An đều là doanh nghiệp không có vốn nhà nước, do vậy không thuộc đối tượng, đơn vị được kiểm toán, tuy nhiên họ vẫn có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Về Tập đoàn Phúc Sơn, đơn vị này bị khởi tố liên quan đến việc chấp hành pháp luật về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng nên “hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của kiểm toán nhà nước”.

tong-kiem-toan-nha-nuoc.jpeg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.

“Đối với Tập đoàn Thuận An thì có vi phạm pháp luật về đấu thầu, do hoạt động của kiểm toán nhà nước đối với các dự án của tập đoàn này là hoạt động kiểm toán đánh giá sự tuân thủ pháp luật và nội quy quy chế của đơn vị được kiểm toán.

Trên cơ sở hồ sơ tài liệu do đơn vị bị kiểm toán (chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp) chúng tôi rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện pháp luật và đưa ra kết luận, kiến nghị” – ông Tuấn nói.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho hay, để kiểm toán có thể tham gia tốt hơn, sâu hơn vào quá trình điều tra thì hiện nay vẫn còn tranh luận. Từ năm 1946 đến nay, trong các diễn đàn của hiệp hội kiểm toán quốc tế nội dung này đã được bàn thảo và mới dừng ở mức tranh luận xem kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra hay không, có điều tra thì mới đi đến cùng làm rõ hành vi phạm tội để truy tố.

Theo ông Tuấn, hiện nay có rất ít cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước phát triển thực hiện chức năng này. Hiện nay hiệp hội kiểm toán quốc tế cũng chưa bao giờ có hướng dẫn về việc này.

“Với góc độ của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, chúng tôi cố gắng hoàn thành tròn chức năng đánh giá kết luận, kiến nghị theo quy định của pháp luật và theo đúng lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đúng vai, thuộc bài. Thuộc bài đúng vai thì không bao giờ sai” – ông Tuấn nhấn mạnh.

vu-thi-luu-mai-ha-noi.jpg
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội). Ảnh: PHẠM THẮNG

Xây dựng chính sách để không dám, không nghĩ tới tham nhũng

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng cơ quan Kiểm toán Nhà nước có vai trò và trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong phát hiện các hành vi tham nhũng. Những năm qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả tích cực nhưng ở đâu đó thấp thoáng vẫn còn căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh.

“Vậy phải làm gì để một mặt vẫn xử lý nghiêm được những hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng mặt khác vẫn bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm và mong muốn được cống hiến cho đất nước” – bà Mai đặt vấn đề với Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Trả lời, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cám ơn đại biểu đã khẳng định vai trò của kiểm toán trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. “Câu hỏi của đại biểu thực sự rất khó” - ông Tuấn nói.

Theo ông, để “đánh chuột để không vỡ bình” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cần làm tốt ba việc.

Thứ nhất, xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng. Thứ hai, xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh để không dám tham nhũng và cuối cùng là xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn và không cần tham nhũng.

“Có như vậy thì công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta mới đạt hiệu quả”- theo ông Tuấn và chỉ ra ba nguyên nhân của tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

tong-kiem-toan-nha-nuoc.jpg
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn chỉ ra ba nguyên nhân của tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Ảnh: PHẠM THẮNG

Nguyên nhân thứ nhất thuộc về ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức. Tiếp đó là trình độ, năng lực chưa theo kịp yêu cầu và công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát.

Về giải pháp, Tổng Kiểm toán cho rằng thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ năng lực. Đồng thời, hoàn thiện thể chế để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng công chức.

“Công chức ngồi vào vị trí A thì phải làm gì, không được làm gì, phải rõ quyền và trách nhiệm, gắn với quyền lợi và đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát, lượng hoá được công tác đánh giá cán bộ, tạo thuận tiện cho việc sử dụng cán bộ” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm