Sáng nay (5-6), sau khi kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các đại biểu sẽ tiếp tục chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Đây cũng là lần đầu tiên vị trưởng ngành kiểm toán trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Nội dung chất vấn sẽ tập trung vào trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Một nội dung quan trọng khác là công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ.
Trước đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng có báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp gửi đến các đại biểu. Trong đó đáng chú ý là nội dung về thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.
Theo ông Ngô Văn Tuấn, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ ngành.
Các cuộc thanh tra công vụ cũng được tăng cường, kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất các cuộc kiểm toán; đồng thời triển khai đầy đủ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từ việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, kê khai thu nhập, tài sản của công chức và trong công tác cán bộ.
Kiểm toán Nhà nước cũng quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ của công chức, viên chức, người lao động....
Thông qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
“Lựa chọn, bố trí những công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí công tác, nhất là vị trí Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán” – Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nêu rõ.
Ông Tuấn cũng cho biết Kiểm toán Nhà nước còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát phạm vi, giới hạn kiểm toán; xử lý nghiêm trường hợp kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu ngoài phạm vi, giới hạn theo kế hoạch kiểm toán và kế hoạch kiểm tra, đối chiếu được duyệt.
Song song đó là phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu tham gia các hoạt động kiểm toán và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Tổng Kiểm toán nhà nước nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong năm năm gần nhất (2019 - 2023), Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị trên 331.370 tỉ đồng.
Ngoài ra, 663 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét, xử lý.