Có những phiên livestream thu trăm tỉ mỗi ngày, đại biểu hỏi Bộ trưởng Công Thương có biết?

(PLO)- Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công Thương trả lời thẳng vào vấn đề livestream như vừa qua thì Bộ có biết không và việc đó có thật hay không, quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chiều 4-6, đại biểu (ĐB) Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đã giơ biển tranh luận. Ông Hạ nêu thực tế các đơn hàng thực hiện trên Zalo, Facebook… hàng hóa được vận chuyển xuyên biên giới. Trong khi đó, chế tài xử lý đối với sàn giao dịch điện tử không tuân thủ pháp luật là chưa có.

Hàng hóa livestream giới thiệu ở bên kia biên giới nhưng hàng hóa lại để ở nơi hẻo lánh, xa xôi, áp sát biên giới. Hàng hóa khi được thông quan thì vận chuyển qua vận tải, chuyển phát nhanh… xử lý vấn đề này rất khó khăn. Quá trình xử lý, không chỉ ngành Công Thương mà còn các ngành khác nữa. Vậy giải pháp thế nào để khắc phục triệt để tình trạng này để bảo vệ người tiêu dùng?

Có những phiên livestream thu trăm tỉ mỗi ngày, đại biểu hỏi Bộ trưởng Công Thương có biết?
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) tranh luận với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: PHẠM THẮNG

Quản lý bán hàng trên mạng rất khó khăn

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận với hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử nói chung và qua livestream nói riêng thì “quản lý rất khó khăn”.

Để quản lý được hoạt động livestream không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương mà còn nhiều ngành. Chẳng hạn Bộ TT&TT quản lý về nền tảng, Bộ Tài chính quản lý về thuế

Giải pháp tốt nhất theo ông Nguyễn Hồng Diên là phải có sự phối hợp. Đương nhiên, trong trường hợp này Bộ Công Thương sẽ chủ trì để phát hiện, đấu tranh làm rõ các hành vi sai phạm, nhất là việc tìm ra các địa điểm tập kết hàng, trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông tin với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý sai phạm và chống thất thu thuế.

“Hoạt động này biến hóa khôn lường nên các quy định của chúng ta phải tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đây là lĩnh vực mới và các quốc gia đều gặp phải. Thương mại điện tử phát triển rất mạnh, tăng trưởng 25%/năm, doanh thu hơn 20 tỉ/năm” – ông Diên nhìn nhận.

co-nhung-phien-livestream-thu-tram-ti-moi-ngay-dai-bieu-hoi-bo-truong-cong-thuong-co-biet-nguyen-hong-dien.jpeg
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cũng theo ông Diên, cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị. “Mua bán không thể thoát khỏi ‘lưới trời’ là sự phát hiện của người dân hay thông qua các tổ chức” - ông Diên nói.

Sau cùng, Bộ trưởng Công Thương nói tới vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong xem xét, xử lý ban đầu về xung đột lợi ích.

“Khi phát hiện, chứng minh được các chủ livestream vi phạm pháp luật, chúng ta xoá vĩnh viễn các trang này, hoặc yêu cầu các chủ phòng livestream phải chịu trách nhiệm trước pháp luật bởi những hành vi của mình thì từng bước sẽ giảm được tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này” - theo ông Diên.

Xoá trang thì khó nhưng lập lại rất dễ dàng

ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) sau đó cũng cho biết thời gian qua, mạng xã hội như Tiktok xôn xao với những vụ livestream bán hàng doanh thu có thể đến hàng trăm tỉ/ngày. Thông tin quảng bá đó đúng hay không và làm thế nào quản lý được chất lượng các sản phẩm này?

“Giá bán này thấp hơn nhiều giá bán buôn cho các đại lý, điều này đang gây bất ổn thị trường, ví dụ như trong các livestream trị giá cả chục tỉ, trăm tỉ kể trên... gây hoang mang về hàng thật, hàng giả. Vậy các cơ quan quản lý nhận định vấn đề này thế nào và hướng xử lý ra sao?” - ĐB Nghĩa chất vấn.

co-nhung-phien-livestream-thu-tram-ti-moi-ngay-dai-bieu-hoi-bo-truong-cong-thuong-co-biet-do-chi-nghia.jpeg
ĐB Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên). Ảnh: PHẠM THẮNG

Tuy nhiên do chưa nhận được câu trả lời, ĐB Đỗ Chí Nghĩa đã giơ biển tranh luận. Ông cho rằng Bộ trưởng nói nhiều đến các sàn thương mại điện tử nhưng đó là các sàn có định danh, có đăng ký, ta quản lý tương đối dễ. Hiện livestream của các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo, các livestream doanh thu đến hàng trăm tỉ/ngày là vấn đề lớn.

“Nếu đi theo giải pháp là xoá các trang đó như Bộ trưởng trình bày trong báo cáo hay trình bày trước Quốc hội, chúng tôi thấy xoá thì khó nhưng lập một trang rất dễ dàng, giống chặt đầu Phạm Nhan” - ĐB Nghĩa nói và cho rằng cứ đuổi theo như vậy làm sao có thể giải quyết vấn đề?

Theo đại biểu, nếu không đi đúng hướng, cơ quan quản lý rất vất vả, luôn đuổi theo, như rơi vào ma trận, trong khi người tiêu dùng lãnh đủ và cơ quan thuế thì thất thu.

“Tôi muốn Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi, với việc livestream như vừa qua Bộ Công Thương có biết không? Đó là thật hay ảo và quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo như thế nào?”- ĐB Nghĩa hỏi.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ trưởng Công Thương trả lời bằng văn bản, bởi trả lời được câu hỏi này cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên “xin phép được trả lời nhanh”.

Ông Diên cho rằng khi phát hiện vi phạm, chúng ta hoàn toàn có thể hoàn tất hồ sơ, chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Còn làm thế nào để quản lý hoạt động livestream, ông Diên nhắc lại cần có sự phối kết hợp giữa các lực lượng chức năng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm