3 trọng tâm tăng cường trong hợp tác Việt-Trung

Trưa 12-11, chuyên cơ đưa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam. Ngay sau lễ đón chính thức diễn ra vào chiều cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hai bên bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung thời gian qua. Hai bên nhất trí phát huy những kết quả đạt được, tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung không ngừng phát triển ổn định, bền vững.

Cải thiện tình trạng nhập siêu của Việt Nam

Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số trọng tâm tăng cường hữu nghị và hợp tác giữa hai Đảng, hai nước:

Thứ nhất, tăng cường trao đổi cấp cao, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác giữa các ngành, các cấp. Đề nghị hai bên duy trì thường xuyên truyền thống tốt đẹp giao lưu, tiếp xúc cấp cao; đẩy mạnh giao lưu, nâng cao hiệu quả hợp tác và phát huy vai trò kênh Đảng để góp phần tăng cường tin cậy chính trị, định hướng tổng thể và thúc đẩy quan hệ song phương...

Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và trên các lĩnh vực khác, đề nghị hai bên tiếp tục phát huy kết quả đạt được, triển khai hiệu quả các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, tập trung vào một số trọng tâm: Tăng cường hợp tác đầu tư, mở rộng quy mô thương mại song phương, áp dụng các biện pháp hữu hiệu cải thiện hơn nữa tình trạng nhập siêu của Việt Nam… Cùng đó là xử lý ổn thỏa vấn đề tàu cá, ngư dân…

Quang cảnh cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: VGP

Thứ ba, duy trì hòa bình, ổn định, xử lý tốt vấn đề trên biển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc bảo đảm hòa bình, ổn định bền vững, giảm thiểu các nguy cơ bất ổn, xây dựng lòng tin đối với vấn đề biển Đông giữa các nước liên quan là rất cần thiết, có lợi cho các bên, cho khu vực và thế giới. Các bên liên quan cần kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình hoặc mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhau, tập trung nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển để ưu tiên nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nỗ lực kiểm soát bất đồng trên biển

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC); sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực và hiệu quả.

Tích cực xem xét thúc đẩy các hình thức hợp tác phù hợp tại một số khu vực thực sự có chồng lấn phù hợp với luật pháp quốc tế; tập trung thực hiện lộ trình đã thống nhất, phát huy kinh nghiệm về phân định biển và hợp tác trong vịnh Bắc bộ để cố gắng đạt tiến triển đối với việc phân định và hợp tác tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Đồng thời nghiên cứu khả năng và các phương án hợp tác giữa các bên liên quan, giữa ASEAN và Trung Quốc trên một số lĩnh vực có lợi ích chung và ít nhạy cảm, như quản lý đánh bắt cá và bảo vệ môi trường sinh thái trên biển, nhằm củng cố lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định bền vững, lâu dài trên biển Đông vì lợi ích chung của tất cả các bên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Đảng, chính phủ Trung Quốc coi trọng việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt…

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng hai bên cần nhìn nhận quan hệ Trung-Việt từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, phát triển và phồn vinh của khu vực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị hai bên: Duy trì tiếp xúc cấp cao thường xuyên, tăng cường trao đổi chiến lược và tin cậy chính trị; làm sâu sắc giao lưu kênh Đảng; tăng cường giao lưu hợp tác về ngoại giao, an ninh, quốc phòng; thúc đẩy hợp tác thiết thực, phục vụ công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa tại mỗi nước, phát huy vai trò điều phối tổng thể các lĩnh vực hợp tác của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương.

Nỗ lực kiểm soát tốt bất đồng trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông; khẳng định Trung Quốc mong muốn cùng ASEAN thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến chủ tịch Trung Quốc

Chiều 12-11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tại buổi hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng, ổn định tình hình trên biển, không để bất đồng trên biển ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước cũng như tình cảm và lòng tin của nhân dân hai nước.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã tham dự lễ khánh thành Cung hữu nghị Việt-Trung.

Theo kế hoạch, hôm nay (13-11), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ăn sáng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó sẽ đặt vòng hoa và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Tập Cận Bình sẽ cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm nơi Bác Hồ mất và dự tiệc trà trong khu nhà sàn Bác Hồ.

Sau đó, ông Tập Cận Bình sẽ hội kiến và dự chiêu đãi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trước khi rời Việt Nam vào chiều cùng ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm