Bỏ công chứng mua bán nhà: Đăng bộ, tòa “ôm” không xuể

Không nên buộc công chứng hợp đồng mua bán nhà vì đây là công đoạn thừa; nếu bỏ thủ tục này, mỗi năm tiết kiệm được 2.700 tỉ đồng… Đây là những lập luận của Bộ Xây dựng và mới đây tại một hội nghị tham vấn, một số ý kiến cũng đồng tình.

Vấn đề là nếu cắt bỏ thủ tục công chứng hợp đồng mua bán nhà thì cơ quan trực tiếp thực hiện đăng bộ và cấp giấy chứng nhận có đủ sức thực hiện các công đoạn “hậu bỏ công chứng” khi kèm đề xuất cắt bỏ thủ tục này, Bộ Xây dựng chưa đưa ra phương án nào khác?

Quận, huyện: “Chết chắc”

“Nếu bỏ thủ tục công chứng, nhân viên đăng bộ của quận, huyện phải ôm công việc này vì không thể nào dựa vào giấy tay của hai bên” - ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8, nói.

Theo ông Hải, hiện việc đăng bộ chỉ cần người có trình độ trung cấp địa chính, biết vi tính là đủ. Nếu làm luôn việc kiểm tra tính pháp lý của hợp đồng, năng lực của các bên mua bán… thì những nhân viên này cần phải có thêm trình độ về công chứng để thực hiện. “Vậy thì chẳng khác nào bỏ cái này để đẻ ra cái kia. Đó là chưa kể cơ quan quản lý nhà nước lại quay trở lại ôm việc của cơ quan công chứng. Trong tình hình hiện nay, nếu chỉ dựa vào việc người dân cam kết tự chịu trách nhiệm không thôi thì cơ quan cấp giấy vẫn e ngại. Trong các đơn cam kết của người dân khi hợp thức hóa nhà, lúc nào cũng có câu người khai tự cam kết chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi xảy ra chuyện thì cán bộ giải quyết hồ sơ vẫn phải lãnh đủ, còn phía người dân, cùng lắm là hủy giấy chứng nhận hoặc yêu cầu bổ túc, làm lại” - ông Hải nói.

Bỏ công chứng mua bán nhà: Đăng bộ, tòa “ôm” không xuể ảnh 1

Nếu có tranh chấp trong mua bán nhà đất thì hợp đồng có công chứng sẽ có tính pháp lý cao. Trong ảnh: Làm thủ tục công chứng tại Phòng Công chứng số 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Hồng nói ngắn gọn: “Quận chết chắc!”. Ông lý giải: Cán bộ hiện đang ít, đang tiến tới tinh gọn mà lại phải kiêm luôn công việc như một công chứng viên khi đăng bộ hồ sơ thì không thể đáp ứng nổi. Ngay cả người dân, họ cũng muốn và cần có một cơ quan trung gian đủ uy tín như phòng công chứng để làm chứng cho việc mua bán một tài sản lớn như nhà đất. Nếu có tranh chấp thì hợp đồng có công chứng sẽ có tính pháp lý cao, thay vì tờ giấy mua bán qua “niềm tin”. Trong tình hình hiện nay, nếu bỏ thủ tục công chứng, không chỉ quận, huyện mà các tòa án cũng sẽ “ngập đầu” với các tranh chấp, khiếu kiện.

Ông Trần Hoàng Quân, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cũng cho rằng quận khó mà kham nổi nếu bỏ khâu công chứng. “Ngại nhất là vấn đề tranh chấp mà chỉ có hai bên thực hiện không qua công chứng: Họ chối, rồi họ giả chữ ký, hoặc người tham gia giao dịch không có năng lực hành vi… Nhiều trường hợp ra công chứng mà vẫn phát hiện chuyện lừa đảo, huống gì bỏ công chứng!”.

Được biết khi nói về đề xuất của Bộ Xây dựng, đã có ý kiến cho rằng càng ngày càng phải nâng cao trách nhiệm của các đương sự, do đó nên để họ tự chịu trách nhiệm với các giao dịch dân sự. Nếu có lừa đảo, tranh chấp thì tòa sẽ giải quyết. Tuy nhiên, ông Quân vặn lại: “Nếu để sự việc đã rồi theo quan điểm chừng nào có tranh chấp thì đem ra tòa thì khi ấy thiệt hại đã quá nặng nề cho một bên đương sự”. Mặt khác, liệu tòa có giải quyết xuể?

Tòa: Bây giờ đã đủ mệt rồi!

“Bỏ thủ tục công chứng mua bán nhà, thoạt nhìn thì thấy thuận lợi cho người dân nhưng thật ra lại gây khó khăn khi giải quyết nếu xảy ra tranh chấp, chưa kể rất dễ xảy ra trường hợp một căn nhà mang bán cho nhiều người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác thì vấn đề rất phức tạp” - ông Nguyễn Thanh Vân, Thẩm phán TAND quận Bình Thạnh, nhận định.

Thẩm phán Lê Hoàng Ngọc Hải, TAND quận Gò Vấp, thì phân tích: Nếu mua bán nhà chỉ dựa thuần túy vào “niềm tin” sẽ rất dễ xảy ra rủi ro, trong khi đây là tài sản có giá trị rất lớn. “Nếu là tôi, tôi cũng không dám giao dịch kiểu vậy” - ông nói. Một thẩm phán khác cũng của TAND quận Gò Vấp nói thêm: Hiện nay tòa thụ lý các vụ vi phạm đặt cọc, phạt tiền cọc trong mua bán nhà… cũng đã đủ mệt, huống chi phát sinh thêm giải quyết kiện vì mua bán không có công chứng gác cửa thì chắc các tòa sẽ lâm cảnh quá tải và việc giải quyết cũng phức tạp hơn nhiều. “Giả chữ ký, giả người... trong mua bán nhà đất sẽ nhiều hơn. Tôi đã gặp trường hợp bà mẹ bán nhà nhưng không biết chữ, bị bệnh nên đứa con ký. Trong khi đứa con lại chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm nên giao dịch trái pháp luật… Đây là những rủi ro có thật. Rủi ro tương tự sẽ nhiều hơn nếu không nhờ khâu công chứng lọc. Đã vậy, khi xảy ra tranh chấp thì chuyện giám định chữ ký, chứng minh có việc mua bán giữa các bên đâu phải dễ. Trong khi giá trị mua bán nhà lớn hơn nhiều so với lệ phí công chứng thì nên lựa chọn việc an toàn về pháp lý cho người dân lên trên, đừng chỉ nhìn ở con số 2.700 tỉ đồng tiết kiệm” - vị thẩm phán này nói.

Đầu tháng 5-2011, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng các hợp đồng liên quan giao dịch nhà ở (mua bán, tặng cho, thừa kế, thế chấp…) không cần qua thủ tục công chứng, chứng thực như hiện nay. Người dân chỉ phải công chứng đối với các hợp đồng cho thuê nhà trên sáu tháng và hợp đồng cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà.

Đề xuất trên căn cứ vào Nghị quyết 52/2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có liệt kê một số thủ tục công chứng cần bãi bỏ, kèm theo đó là lộ trình giao các bộ Tư pháp, Xây dựng… xây dựng chương trình sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, nghị quyết này ghi rõ: “Bãi bỏ quy định bắt buộc công chứng các hợp đồng nói trên, quy định việc công chứng các hợp đồng nói trên được thực hiện theo nhu cầu của các bên tham gia hợp đồng”. Trong khi đó, văn bản đề xuất của Bộ Xây dựng không đề cập việc người dân có quyền công chứng theo nhu cầu.

Xu hướng chung là tiến tới bỏ thủ tục công chứng để thuận tiện cho người dân, giảm thời gian, chi phí. Vấn đề là bỏ vào thời điểm nào. Trong khi dân trí còn thấp, tôi cho rằng chưa nên bỏ thủ tục công chứng.

Ông LÊ MINH HÙNG,giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm