Bộ GTVT: Chưa phạt xe không chính chủ

Tại cuộc họp ngày 11-3 cho ý kiến về dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, trong khi Bộ GTVT đề nghị rút quy định xử phạt xe không chính chủ thì Bộ Công an lại đề nghị tiếp tục quy định. Ngược lại, trong khi bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất xử phạt mũ bảo hiểm (MBH) không hợp quy, không đảm bảo tiêu chuẩn, không có tem thì Bộ Công an lại cho rằng nên tính toán kỹ.

Cục CSGT: Phải xử phạt

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, không chuyển quyền sở hữu phương tiện là hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, do hệ thống văn bản hướng dẫn hiện còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng nên dự thảo nghị định xử phạt chưa quy định phạt hành vi trên. “Khi nào hệ thống văn bản hướng dẫn đầy đủ, mức lệ phí giảm xuống thì lúc đó mới xem xét có đưa vào hay không” - ông Thăng nói.

Ngược lại, ông Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, cho rằng dự thảo nghị định nên tiếp tục quy định xử phạt hành vi này. Bởi vấn đề này không phải mới, có chăng chỉ là sau khi Nghị định 71/2012 nâng mức phạt đối với hành vi này lên thì người dân mới phản ứng.

Bộ GTVT: Chưa phạt xe không chính chủ ảnh 1

Rất nhiều trường hợp xe không phải là của chính chủ. Ảnh: HTD

“Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính giảm mức lệ phí đăng ký lại. Do đó, chúng tôi đề nghị vẫn đưa quy định xử phạt vào nghị định, nếu không đưa vào thì không thể xử phạt được. Đưa vào cũng có nghĩa là chúng ta đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, đảm bảo tính chặt chẽ của pháp luật và góp phần phòng ngừa tội phạm” - ông Hà nhấn mạnh.

Không thể vứt hết mũ người dân đang đội

Về quy định xử phạt lỗi đội MBH không đúng tiêu chuẩn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay hiện bốn bộ đã ký ban hành thông tư liên tịch. Hơn nữa, trong nghị định xử phạt cũng ghi rõ xử phạt các hành vi không đội MBH, đội MBH không cài quai đúng quy cách. Những trường hợp đội mũ không đúng tiêu chuẩn cũng bị xử phạt, do đó đưa quy định này vào dự thảo nghị định là hợp lý.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, lại cho rằng đề xuất xử lý MBH không hợp quy là chưa phù hợp. Bởi trên thực tế hiện có rất nhiều MBH người dân đã mua từ trước, trong đó có nhiều loại tốt nhưng không dán tem. Nhiều tổ chức nước ngoài cũng mang MBH sang viện trợ, phát rất nhiều nhưng cũng không có tem. “Nếu chúng ta ban hành quy định xử phạt hành vi trên thì phải có lộ trình giải quyết số mũ còn lại. Chứ vứt hết MBH của người dân đang đội đi là không hợp lý” - ông Quyền nói.

Ông Trần Sơn Hà cũng cho rằng vấn đề chính ở đây là phải làm từ gốc. Luật hình sự đã có quy định xử lý hành vi làm hàng giả nên đơn vị quản lý thị trường phải kiểm soát tốt việc sản xuất, kinh doanh MBH chứ công an không thể rải quân làm hết được.

Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban soạn thảo dự thảo nghị định xử phạt tiếp thu một cách đầy đủ. Trong đó, nên xem xét lại việc xử phạt các trường hợp đội MBH không dán tem. Bởi thực tế, nhiều MBH đạt chất lượng nhưng chưa được dán tem do trước đây không có quy định.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm