Chia tay xe ba gác

Chia tay xe ba gác ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Hùng (bìa phải, 57 tuổi, với 30 năm hành nghề tại TP.HCM) và nhóm các tài xế xe ba gác cho biết: “Tụi tôi rất hồi hộp khi gần đến ngày cấm xe ba gác. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho dân nghèo nhờ” - Ảnh: T.T.D.

Gần 6g sáng 23-12, quán cà phê trước “hẻm” ba gác dưới chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã có lác đác vài người chạy xe ba gác ngồi đợi bà Nguyễn Xuân Hương (37 tuổi, chủ đội xe ba gác chở xà bần) giao việc. Nhưng không giống với không khí chộn rộn, hào hứng trước đây, bao lo toan ngổn ngang về những ngày sắp tới thể hiện rõ trên gương mặt họ.

Ngổn ngang

Đội xe ba gác này có khoảng 20 thanh niên lẫn trung niên chuyên chạy xe ba gác chở xà bần cho các công trình xây dựng trong TP. Phải nói lời tạm biệt với những chiếc xe ba gác đã gắn bó cùng mình hàng chục năm quả là điều khó khăn với bà Hương và các thành viên của đội xe này.

Công việc chạy xe ba gác đã trở thành “nghiệp” đối với bà Hương. Bà chia sẻ: “Hơn hai chục tuổi đầu tui đã đạp xe ba bánh đi chở xà bần. Lấy chồng thì cũng trúng ông xã cùng chạy xe ba gác. Tính đến nay đã hơn 13 năm tui chạy xe rồi, hẻm hóc ở Sài Gòn này ít có nơi nào tui lạ lẫm!”.

Giờ đây với bảy chiếc xe ba gác và 20 nhân công chạy xe, bà Hương phải tính toán ngay từ khi lệnh cấm xe ba gác bắt đầu. Dành dụm được chút vốn, bà Hương dự định mua một chiếc xe tải nhỏ chuyên chở khoảng một mét khối xà bần (tương đương xe tải có trọng tải 1 tấn) mỗi lần vận chuyển, đồng thời dùng xe rùa nhỏ để làm việc trong các hẻm mà xe tải không vào được.

Bà Hương bộc bạch: “Quy định thì phải tuân theo thôi. Tụi tui cũng hoàn toàn đồng tình với chủ trương này và TP đã gia hạn nhiều rồi. Nhưng mấy bữa nay cũng rầu vì bảy chiếc xe ba gác lên phường chỉ chấp nhận hỗ trợ hai xe. Thôi thì tự xoay để còn có công ăn việc làm sắp tới”.

Chiều xuống. Xóm ba gác ở hẻm 348 Phan Văn Trị, P.13, Q.Bình Thạnh cũng bắt đầu chộn rộn. Hàng chục chiếc xe ba gác về tìm chỗ đậu. Mấy bà vợ kêu réo chồng giục bữa cơm chiều... “Chỉ còn hơn tuần lễ nữa xe ba gác phải xếp xó, tất cả chỉ còn dĩ vãng” - giọng bà Nguyễn Thị Ngọc, một nữ tài xế ba gác, trầm ngâm.

Đẩy ba gác từ khi 14 tuổi, giờ bà đã xấp xế tuổi 50. Với bà Ngọc, xe ba gác không chỉ là phương tiện kiếm sống hằng ngày mà còn chứng kiến bao sự kiện quan trọng của đời bà. Hơn 30 năm hành nghề xe ba gác, bà Ngọc đã “lên đời” xe hai lần, từ xe ba gác kéo tay rồi lên ba gác máy.

Hai người con gái và hai con rể của bà Ngọc cũng sống với nghề gom rác bằng xe ba gác máy. “Cái nghề nó vận vào thân rồi, nếu cấm chắc phải chạy vạy vay mượn để kiếm cái xe ba bánh đời mới để còn mần. Nhà tui đã làm đơn cho phường gần tháng nay rồi, cũng chẳng thấy phường nói gì đến việc thu mua lại xe 5-7 triệu đồng gì đó như chính sách... Cũng chưa nhận được hỗ trợ gì cụ thể” - bà Ngọc chép miệng nói.

Bà cũng cho biết nhiều người mưu sinh bằng phương tiện này rất băn khoăn trong những ngày tới vì tết đã cận kề, tiền hỗ trợ thì chưa nhận, mà dù có nhận tiền hỗ trợ xong thì chưa biết chọn nghề gì cho phù hợp.

Xoay xở tìm nghề mới

“Người ta sống được thì mình sống được” - anh Nguyễn Văn Sỹ, chạy xe ba gác ở đường Thăng Long, Q.Tân Bình, bảo vậy. Những ngày sắp tới, anh Sỹ dự tính sẽ chuyển sang làm thợ hồ khi xe ba gác bị cấm. Còn anh Đỗ Viết Giáp (21 tuổi, quê ở Hà Nam, đang chạy xe ba gác, ngụ tại địa chỉ 87/6 Phan Văn Hớn, Q.12) chia sẻ: “Nếu có được số tiền hỗ trợ thì tôi sẽ đi học nghề sửa xe gắn máy...”.

Tại khu nhà trọ ở hẻm 15, Quang Trung, P.8, Q.Gò Vấp cũng có rất nhiều người chạy xe ba gác nhập cư đang xoay xở tìm nghề mới khi quy định cấm xe ba gác lưu thông có hiệu lực. Mới cách nay hai tháng, ông Ngô Hữu Chí mất một chiếc xe trong lúc nghỉ trưa, phải gom hết tiền dành dụm mới gom 6 triệu đồng để mua lại chiếc xe ba gác mới.

Vì sao chỉ còn vài tháng nữa là đến thời điểm cấm xe ba gác lưu thông mà ông vẫn mua xe? Người đàn ông 51 tuổi, quê ở Tây Ninh, phải bỏ ruộng đồng lên TP chạy xe ba gác từ năm 1996 đến nay, bộc bạch: “Về quê thì còn bí bách hơn. Tui còn phải gánh một ông anh bị tâm thần, hai đứa con đang ăn học. Về sao nổi? Liều chạy thêm một thời gian ở những tuyến đường chưa bị cấm rồi sẽ tìm hướng chuyển nghề!”.

Ông bảo sẽ cố “né” những tuyến đường TP cấm để khỏi bị phạt, chứ trước mắt chuyển nghề thì không đủ vốn và tuổi đã lớn nên khó tìm nghề khác. “Tụi tôi chỉ là dân nhập cư, biết có được hỗ trợ vốn hay không? Nếu có thì tôi sẽ vay mượn thêm để cố kiếm một cái nghề trong tương lai”.

Theo LÊ VÂN - KIM TUYẾN (TTO)

 

Chờ giờ “G”

Chính sách hỗ trợ những người sử dụng xe ba, bốn bánh thô sơ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định từ ngày 29-4-2009 và Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn từ ngày 17-6-2009. Nhưng đến thời điểm này, nhiều quận, huyện ở TP.HCM vẫn cho rằng thời gian triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ quá gấp nên không thể hoàn thành các thủ tục để hỗ trợ cho người dân nhanh được.

Chia tay xe ba gác ảnh 2

Những chiếc xe ba gác sẽ không còn xuất hiện trên nhiều tuyến đường TP.HCM - Ảnh: LÊ VÂN

Mỗi nơi mỗi kiểu

Quận Tân Bình có trên 1.000 xe ba, bốn bánh tự chế đăng ký hỗ trợ theo quyết định 584 của Thủ tướng (bao gồm cả xe đẩy tay). Ông Phạm Văn Lang, phó Phòng Kinh tế quận Tân Bình, cho biết quận mới chỉ nhận hồ sơ thống kê từ các phường, đến tuần sau mới thẩm định. Nếu cố gắng thì chỉ kịp thẩm định xong hồ sơ xin hỗ trợ của người dân trong năm 2009 chứ khó có thể chi tiền hỗ trợ trước ngày lệnh hạn chế xe ba, bốn bánh tự chế có hiệu lực.

 Ông cho biết không chỉ những người dân có hộ khẩu thường trú, mà những người tạm trú có KT3 và những người cư trú lâu dài trên địa bàn quận sinh sống bằng xe ba, bốn bánh tự chế đều được nhận hỗ trợ. Đối với những trường hợp cư trú nhưng chưa đăng ký tạm trú thì phải có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc cảnh sát khu vực về việc đã cư trú lâu dài và mưu sinh chính bằng xe tự chế.

Quận Bình Thạnh là một trong hai quận hoàn thành phần thống kê danh sách người có số lượng xe tự chế đăng ký hỗ trợ sớm nhất TP. Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh cho biết toàn quận có gần 1.100 xe, trong đó nhiều gia đình có hai, ba xe. Tổng cộng có 60 trường hợp xin hỗ trợ chuyển đổi thành xe tải (được hỗ trợ 9 triệu đồng).

Địa phương này cũng không phân biệt người có hộ khẩu thường trú và tạm trú (KT3), nếu có đăng ký cư trú lâu dài ở quận và có nguyện vọng xin hỗ trợ sẽ được làm hồ sơ. Tương tự, nhiều quận, huyện khác vẫn đang tiến hành công tác thống kê số lượng xe được hỗ trợ.

Theo ông Tạ Quang Vinh, phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, ngày 22-12 sở đã có công văn chỉ đạo các quận, huyện ứng ngân sách quận chi tiền hỗ trợ cho các hộ dân trước, TP sẽ duyệt trả lại sau. Quận nào khó khăn không có tiền ứng trước thì báo cáo lại với sở để tìm cách giải quyết.

Theo tổng hợp của Sở Tài chính, hiện mới có chín quận gửi báo cáo nhu cầu vốn hỗ trợ, quận có nhu cầu vốn cao nhất lên đến 10 tỉ đồng. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, người dân được đăng ký hỗ trợ chuyển đổi xe ba, bốn bánh đến hết ngày 31-12 và ngày 31-3-2010 sẽ hết thời hạn giải ngân tiền hỗ trợ.

Xử lý các vi phạm

Ông Phạm Văn Lang cho biết: “Việc xử lý xe ba bánh cơ giới, xe ba, bốn bánh tự chế thu hồi của người dân thì chúng tôi chưa tính đến. Có thể tiêu hủy xe, bán phế liệu nộp tiền vào ngân sách hoặc dùng làm kinh phí trang trải cho công tác hỗ trợ thu hồi. Tôi sẽ đề xuất với lãnh đạo UBND quận kỹ hơn về vấn đề này”.

Tương tự, bà Võ Thị Thanh Nga, phó trưởng Phòng Lao động - thương binh và xã hội quận 4, cho biết những trường hợp đã nhận tiền hỗ trợ thì quận sẽ thu hồi và rã toàn bộ số xe. Theo đề xuất của UBND các phường, số tiền từ việc rã xe sẽ đưa vào kinh phí phường để hỗ trợ công tác thu gom và rã xe.

Ông Trịnh Đức Chinh, phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, cho rằng đối với các loại xe ba bánh gắn máy trước đây được nhập khẩu thì ngay từ khi nhập khẩu phía đăng kiểm đã kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, những xe này sau khi được đăng ký cấp biển số phải tiếp tục đăng kiểm kiểm định để lưu hành theo đúng trọng tải của xe.

Các trung tâm đăng kiểm vẫn tiếp nhận các loại xe này nhưng do xe của người dân ngay bước đầu kiểm tra đã không đạt chỉ tiêu và môi trường nên không được đăng kiểm. Đa số những xe ba bánh gắn máy đăng ký từ năm 1995 trở về trước không còn đạt chỉ tiêu nên nhiều người không đưa xe đến kiểm định chất lượng.

Sở GTVT cũng đang triển khai kế hoạch gắn các biển báo cấm trên 67 tuyến đường và biển hạn chế lưu thông trên các tuyến vành đai theo quy định trước ngày 1-1-2010. Thượng tá Võ Văn Vân, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ Công an TP.HCM, cho biết từ trước đến nay Công an TP vẫn đang xử lý, xử phạt xe ba bánh gắn máy vi phạm không giấy tờ đăng ký hoặc đi vào tuyến đường cấm lưu thông.

Từ 1-1-2010, CSGT tiếp tục xử lý các vi phạm của các loại xe này với phạm vi giới hạn khu vực cấm, tuyến đường cấm theo quyết định mới của UBND TP.

NGỌC HÀ - NGỌC HẬU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm