Thảo luận Bộ luật Dân sự sửa đổi: Hầu hết ngân hàng đang phạm luật!

Cách đây không lâu, trong cơn lốc các ngân hàng đua nhau nâng lãi suất huy động vốn kéo theo lãi suất cho vay tăng chóng mặt, từ 22% đến 29%, Pháp Luật TP.HCM đã có bài phân tích cho rằng mức lãi suất cho vay quá cao đó đã vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS). Sáng qua (27-3), trong phiên thảo luận dự án BLDS sửa đổi của UBTVQH, vấn đề này đã được các đại biểu mổ xẻ một cách gay gắt.

Đề nghị nâng lãi trần lên gấp đôi

Khoản 1 Điều 476 BLDS quy định: “Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Tuy nhiên theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, thực tế lãi suất cơ bản do NHNN công bố thường ở mức thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, nếu áp dụng Điều 476 BLDS thì sẽ dẫn đến rất nhiều hợp đồng cho vay hiện nay vi phạm quy định này. Ông Giàu cũng cho rằng nếu áp dụng điều luật này đối với trường hợp các quan hệ cho vay dân sự như hụi, họ, biêu, phường, cho vay cầm đồ thì đây là mức lãi suất quá thấp, không phù hợp với thực tế.

Hiện tại, với mức lãi suất cơ bản được NHNN quy định là 8,75%/năm thì mức lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ không được vượt quá 13,12%/năm. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng luật thì các ngân hàng sẽ thua lỗ vì mức lãi suất huy động vốn hiện nay đã là 12%/năm. Vì vậy, gần như tất cả tổ chức tín dụng đều áp dụng lãi suất cho vay vượt qua mức quy định của pháp luật. Chiếu theo quy định của BLDS thì những hợp đồng tín dụng này vô hiệu, tuy nhiên trên thực tế chưa có một trường hợp nào bị xử lý. Do đó, NHNN đề xuất sửa BLDS theo hướng nâng mức lãi trần lên gấp đôi, từ 150% lên 300%.

“Đổ thêm dầu vào lửa”

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách, phản đối đề xuất của NHNN vì cho rằng quy định mức trần 300% là không có cơ sở. Theo ông Hiển, lãi suất sẽ lên xuống theo đúng cung-cầu của thị trường nhưng thị trường tiền tệ ở bất cứ quốc gia nào cũng cần có bàn tay điều tiết của nhà nước. “Tôi có cảm giác khi đề xuất mức trần 300% là NHNN muốn buông cái này, thị trường tiền tệ sẽ bị thả nổi” - ông Hiển lo lắng.

Ông Hiển lấy ví dụ: một doanh nghiệp kinh doanh đi vay với mức 8,75% (lãi suất cơ bản) x 300% = 26,25%/năm thì làm gì ra siêu lợi nhuận như thế? Với quy định giới hạn 300%, doanh nghiệp cứ “nhắm mắt” đi vay rồi không trả được nợ, phải tuyên bố phá sản sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền là ngân hàng cũng vỡ nợ. “Thế thì quá nguy hiểm cho nền kinh tế!” - ông Hiển nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Đinh Văn Nhã cho rằng nâng lãi suất trần lên 300% trong điều kiện hiện nay thì chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”, khuyến khích người ta cho vay lãi nặng. Theo ông Nhã, nên giữ mức trần 150% là hợp lý, có điều là nên quy định mức lãi suất cơ bản dựa trên cơ sở nào mà thôi.

Ông Giàu cho biết hiện tại, mức lãi suất cơ bản do NHNN quy định nhưng sắp tới Luật Ngân hàng sẽ được sửa đổi theo hướng bỏ quy định về lãi suất cơ bản. Khi đó, mức lãi trần sẽ được tính dựa trên cơ sở lãi suất trái phiếu chính phủ.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (từng giữ chức chủ tịch HĐQT Vietcombank), cho rằng việc áp lãi suất trái phiếu thay cho lãi suất cơ bản là rất khó thực hiện về mặt kỹ thuật. “Vì sự không tương đồng trong kỳ hạn của trái phiếu với “kỳ hạn” của các mối quan hệ dân sự: trái phiếu có khi được phát hành hàng tháng, hàng quý nhưng có khi mấy năm mới được phát hành một lần trong khi các quan hệ dân sự cho vay diễn ra hàng ngày” - ông Nhã phân tích.

Tuy nhiên theo ông Nhã, các nước, kể cả Mỹ khi quy định lãi suất trần đều dựa trên mức lãi suất trái phiếu chính phủ bởi chính phủ luôn là người đi vay lớn nhất và lãi suất trái phiếu cũng luôn sát với thị trường. Vấn đề là “số lượng trái phiếu chính phủ và mức lãi suất trái phiếu thuộc danh mục “mật” thì làm sao công bố được” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói. Ông Thuận và ông Ngoạn đề xuất nên lấy mức lãi suất trung bình của năm hoặc mười ngân hàng thương mại để làm cơ sở quy định mức lãi trần.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm