Từ TP Đài Bắc (Đài Loan), ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, thông tin với Pháp Luật TP.HCM vụ hỏa hoạn thiêu rụi khu ký túc xá (Lu Zhu Nan, TP Đào Viên, Đài Loan) có 13 lao động Việt Nam đang lưu trú. Sáu người bị thiệt mạng trong tai nạn này.
Vụ hỏa hoạn khiến sáu người tử vong.
Theo đó, hỏa hoạn xảy ra khoảng 2 giờ sáng 14-12. Sau vụ hỏa hoạn Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan đã có mặt tại hiện trường để nắm tình hình, phối hợp với cơ quan chức năng sở tại. Cùng ngày, cơ quan này đã báo cáo diễn biến vụ việc về Cục Quản lý lao động ngoài nước để nắm tình hình và có phương án xử lý, hỗ trợ gia đình các nạn nhân lo hậu sự.
Theo ông Tạo, hiện thi thể các nạn nhân đã được đưa về nhà tang lễ TP Đào Viên (Đài Loan) để chờ gia đình các nạn nhân sang xét nghiệm ADN nhận dạng. Bước đầu đã có hai người thân là anh trai và em gái ruột trong số sáu nạn nhân đang làm việc tại Đài Loan đã có mặt tại hiện trường, sau đó cùng về nhà tang lễ và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ADN tại chỗ. Những trường hợp còn lại sẽ tiếp tục lấy mẫu người thân để đối chứng trong những ngày tới.
Ông Tạo thông tin thêm, trong số 13 lao động đang lưu trú tại ký túc xá có năm lao động may mắn thoát ra ngoài, trong đó bốn người phải nhập viện dự kiến xuất viện ngày 15-12; một người đi làm ca, một người chuyển chỗ làm việc mới nên không bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.
Các lao động này đang làm việc cho một công ty sản xuất tấm phim cách nhiệt trên ô tô và điện thoại. Một số lao động mới sang làm việc được 1-2 năm, nhiều lao động còn lại đã được gia hạn hơn ba năm. Các lao động làm việc tại công ty này từ nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Phú Thọ… Trong đó, các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn này từ các tỉnh Quảng Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Bắc Giang.
13 lao động nói trên do năm công ty xuất khẩu lao động trong nước cùng ba công ty môi giới Đài Loan đưa sang nhà máy này làm việc. Trong đó, số lao động do Công ty Cổ phần Nhân lực Thuận Thảo đưa đi nhiều nhất.
Hầu hết các lao động đều được đóng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm rủi ro. Ngay sau vụ hỏa hoạn, đã có đại diện một số công ty xuất khẩu trong nước có mặt tại hiện trường để động viên các lao động, hợp tác với cơ quan chức năng sở tại để bảo vệ quyền lợi người lao động. “Chúng tôi đang đề nghị các công ty xuất khẩu lao động trong nước hỗ trợ các nạn nhân vụ hỏa hoạn này để gia đình các nạn nhân giảm gánh lo chi phí hậu sự” - ông Tạo nói.
Trước mắt, các lao động được thay đổi chỗ ở, tiếp tục theo dõi sức khỏe nếu có nhu cầu tiếp tục được bố trí chỗ làm mới. Những lao động không có nhu cầu tiếp tục làm việc thì được làm thủ tục giải quyết các chế độ bảo hiểm thương tật để về nước.
Hiện cơ quan chức năng sở tại đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy và phương án hỗ trợ người lao động, nạn nhân vụ hỏa hoạn.