Từ sau ngày 23 tháng Chạp, nhịp độ đi lại cuối năm của người dân tăng lên đột biến. Các chuyên gia y tế đã đưa ra những lời khuyên, nhắc nhở người dân trong dịp này.
Chỉ nơi bị rào chắn mới là ổ dịch
Những ngày qua, thông tin từ nhiều địa phương cho biết những nơi này đưa ra quy định người dân từ điểm dịch, vùng có dịch về sẽ phải thực hiện cách ly 14-21 ngày. Việc làm này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và người đến/về.
Về việc này, PGS-TS Trần Đắc Phu (cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế) cho rằng các địa phương cần cập nhật, khoanh vùng cụ thể đâu là ổ dịch/vùng dịch. Cạnh đó, các địa phương cần nắm rõ, kiểm tra kỹ, xác định chính xác người đến/về có phải từ vùng dịch hay không.
“Hiện nay nhiều nơi đã có quyết định phong tỏa hoặc cách ly y tế nhưng phải xác định rõ: Chỉ những nơi nằm trong vùng/điểm có rào chắn thì được xem là vùng dịch. Quan điểm của tôi là không nên thực hiện ngăn sông cấm chợ. Vì dịch còn kéo dài, không thể gây khó khăn cho việc di chuyển của người dân, nhất là thời điểm tết cần đi lại khá nhiều. Thay cho việc đóng cửa nên nỗ lực truy vết, khoanh vùng cách ly tốt hơn” - ông Phu nói.
Bên cạnh việc chống dịch trong nước, ông Phu cho rằng cần phải tăng cường tuyên truyền cho người dân về từ các nước để nâng cao ý thức của cộng đồng. Theo đó, người dân từ nước ngoài về quê ăn tết thì phải nhập cảnh hợp pháp qua các cửa khẩu để được cách ly phòng, chống dịch, tuyệt đối không nhập cảnh trái phép.
Theo ông, người dân tuyệt đối không được chủ quan, thực hiện tốt khuyến cáo 5K của ngành y tế, phải tăng cường đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tụ tập đông người, nhất là những người lạ, hay các đối tượng có nguy cơ như người già, người mắc bệnh nền cũng phải cảnh giác, không nên đến chỗ đông người, cảnh giác cao với ca bệnh cộng đồng.
Lựa chọn điểm đến, phòng ngừa kỹ trước khi du xuân
Ông Phu cũng cho hay: Tết cũng là dịp để nhiều người có kế hoạch du xuân. Nhưng với tình hình hiện nay cần hạn chế đi lại, nếu có đi chơi hoặc có chuyến du lịch ngắn ngày thì cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh sự lây lan của dịch bệnh.
Bộ Y tế và văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khuyến cáo người dân thực hành các biện pháp bảo vệ sức khỏe để có một mùa tết an toàn.
Để giảm tối đa nguy cơ mắc COVID-19 khi đi lại hãy cập nhật và tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền địa phương về hạn chế đi lại và khuyến cáo về giữ an toàn, không đi lại nếu bạn bị ốm hoặc đã tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 trong vòng 14 ngày trở lại đây.
Thực hành các biện pháp bảo vệ bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn với người khác.
Hãy luôn thực hiện các biện pháp an toàn khi đi lại trong kỳ nghỉ lễ, tết và khi lưu trú ở các địa điểm công cộng như khách sạn, nhà nghỉ.
Trước khi đến đâu, hãy kiểm tra nơi bạn sẽ ở để chắc chắn là họ có áp dụng biện pháp phòng ngừa COVID-19. Hãy thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn trong toàn bộ thời gian lưu trú.
Nếu bạn cảm thấy đang gặp khó khăn, hãy tự chăm sóc tốt cho bản thân mình. Tùy vào mong muốn của bản thân, hãy dành thời gian cho các hoạt động mà bạn yêu thích.
Hãy bắt đầu với những hoạt động đơn giản và nếu có thể hãy mời những người thân yêu cùng tham gia.•
Tránh xáo trộn vì xả hơi, nghỉ ngơi Trong dịp lễ, tết, ai cũng có tư tưởng xả hơi, gặp gỡ họ hàng, người thân ở xa, bạn bè lâu ngày không gặp. Thường thì dịp này người người đi chơi, nhà nhà tiệc tùng, liên hoan. Một số người lại xả hơi hoàn toàn bằng cách tự thưởng cho mình những ngày lười biếng sau cả năm làm việc vất vả dẫn đến ăn không đúng bữa, không đủ chất, thiếu ngủ, dùng sức lực nhiều..., sinh hoạt đảo lộn. Theo ThS-BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong thời gian đi chơi cần giữ cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, đồng thời việc vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi cần hài hòa, tránh làm thay đổi hay xáo trộn bữa ăn, giấc ngủ, đồng thời thực hiện các trò chơi, giải trí lành mạnh. |