Có dấu hiệu hình sự vụ phá rừng đặc dụng Nam Kar

Theo báo cáo của Công an huyện Krông Ana, ngày 26-11, sau khi báo chí phản ánh việc rừng đặc dụng Nam Kar bị tàn phá, cơ quan công an huyện đã chủ động phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện và Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar kiểm tra hiện trường tại khu vực rừng thuộc địa phận xã Bình Hòa.

Công an huyện Krông Ana kiểm tra hiện trường vụ phá rừng đặc dụng. Ảnh: H.TRƯỜNG

Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng huyện xác định khu rừng Nam Kar bị chặt phá, khai thác gỗ thuộc địa phận xã Bình Hòa là đúng thực tế. Trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng Nam Kar thuộc về Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng Nam Kar, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk.

“Từ đầu năm 2019 cho đến khi báo chí phản ánh, BQL rừng đặc dụng Nam Kar không có bất cứ báo cáo nào về việc phát hiện sự việc khai thác lâm sản trái phép tại rừng đặc dụng. Đến nay, BQL rừng đặc dụng Nam Kar vẫn chưa có báo cáo cho chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan về nội dung vụ việc, thiệt hại do hành vi khai thác trái phép lâm sản gây ra” - báo cáo nêu.

Ngày 27-11, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk có văn bản chỉ đạo Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar điều tra, xác minh làm rõ vụ việc, xác định mức độ xâm hại, làm rõ nguyên nhân trách nhiệm của tổ chức, các cá nhân liên quan.

Sau khi kiểm tra thực địa, xác định chính xác địa bàn nơi rừng đặc dụng Nam Kar bị khai thác gỗ trái phép, Công an huyện Krông Ana đã phối hợp với công an tỉnh Đắk Lắk, viện kiểm sát cùng các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường, xác định thiệt hại ban đầu.

Cụ thể, tại địa phận hành chính ở xã Bình Hòa (Krông Ana) có một số lượng lóng, gỗ hộp đã khai thác chưa kịp vận chuyển bỏ lại mép bìa rừng đặc dụng Nam Kar (thuộc tiểu khu 1023, cách Trạm kiểm lâm số 8 của Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar khoảng 500 m).

Dọc theo đường vào rừng đặc dụng, cơ quan chức năng còn phát hiện 13 cây gỗ các loại bị chặt hạ. Tổng khối lượng lâm sản bị khai thác tại hiện trường là 41,267 m3 chủng loại nhóm III đến nhóm VIII, thuộc các tiếu khu 1023, 1024, 1025 nằm trên địa giới hành chính của xã Bình Hòa, huyện Krông Ana.

Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ trong rừng đặc dụng. Ảnh: H.TRƯỜNG

Công an còn phát hiện lâm tặc dùng trâu kéo, máy tời để vận chuyển gỗ ra khỏi bìa rừng và để lại nhiều bìa gỗ, lóng gỗ, cành, ngọn... không còn giá trị khai thác. Thời điểm các đối tượng đưa gỗ ra khỏi hiện trường cách thời điểm phát hiện khoảng 7-10 ngày.

Các đối tượng vận chuyển các phương tiện, dụng cụ (trâu, máy tời, máy cưa...) phục vụ cho việc khai thác gỗ trái phép lên các tiểu khu thuộc rừng đặc dụng Nam Kar theo lối mòn.

Sau khi hạ cây, xẻ gỗ thành các tấm hộp, các đối tượng dùng trâu kéo, máy tời đưa gỗ ra khỏi rừng. Khi đến bìa rừng, tiếp tục lợi dụng mực nước dâng để đẩy, dùng trâu kéo gỗ đến vị trí thích hợp. Sau đó dùng xe máy cày, xe trâu và xuồng máy để vận chuyển theo đường mòn đi ngang cửa rừng đặc dụng hoặc bằng thủy (do mực nước dâng cao ngập ruộng).

Với kết quả xác minh hiện trường cùng các tài liệu thu thập được, Công an huyện Krông Ana nhận định đây là vụ việc có dấu hiệu phạm tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Gỗ bị đốn hạ và cưa xẻ trong rừng đặc dụng. Ảnh: H.TRƯỜNG

Công an huyện này nhận định có 5-10 người thuộc nhiều nhóm khác nhau ở xã Bình Hòa, Quảng Điền, thị trấn Buôn Trấp thực hiện hành vi phá rừng đặc dụng. Công an huyện đã phối hợp với phòng nghiệp vụ Công an tỉnh áp dụng các biện pháp tập trung đấu tranh, làm rõ.

Vụ việc đang được cơ quan điều tra mở rộng, sàng lọc các đối tượng nghi vấn để đấu tranh, tiến hành thu thập tang vật, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm theo quy định.

Trước đó, PV PLO đã ghi nhận hiện trường vụ tàn phá rừng đặc dụng Nam Kar xảy ra ở khu vực tiểu khu 1023, 1024, 1025 thuộc quản lý của BQL rừng đặc dụng Nam Kar.

Tại đây, PV phát hiện hàng loạt cây gỗ bị đốn hạ, nhiều phách gỗ khủng nằm ngổn ngang...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm