Có nên xử theo án lệ ?: Càng chậm trễ là càng tụt hậu

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết bàn về vấn đề này của luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ý nghĩa và mục đích của pháp luật là tạo ra, bảo đảm công lý, mà hai thành tố của nó là lẽ phải và sự bình đẳng. Nhưng lịch sử đã chứng minh không phải pháp luật nào cũng tạo ra công lý.

Vì sao nên áp dụng án lệ?

Vậy khi nào pháp luật đồng nghĩa với công lý? Đó là khi pháp luật được đặt ra và áp dụng một cách: công bằng, nhất quánxác đáng hay thỏa đáng.

Khi một nền pháp luật tạo ra và bảo đảm được ba giá trị đó thì xã hội sẽ có công lý. Khi xã hội có công lý thì người dân sẽ được an toàn bởi các quan hệ xã hội sẽ trở nên “có thể tiên liệu” và ổn định.

Từ nhận thức ấy, có một nguyên tắc mà đến nay đã trở thành tiêu chí chung ở hầu hết các nước: Trong cùng một quốc gia, không thể xử những vụ án giống nhau bằng những bản án khác nhau.

Nguyên tắc này được công nhận cả ở các nước thông luật (hệ thống luật Anh-Mỹ -Common Law)và dân luật (hệ thống luật La Mã hay luật lục địa) bởi dù theo hệ luật nào thì cái đích phải đến của tố tụng cũng là những vụ án có tình tiết tương tự thì phải được xét xử bằng những bản án tương tự.

Có nên xử theo án lệ ?: Càng chậm trễ là càng tụt hậu ảnh 1

Giá trị của một án lệ chính là trí tuệ, kinh nghiệm, tâm huyết của các thẩm phán trong việc vận dụng pháp luật làm nền tảng cho phán quyết của mình. Ảnh minh họa: HTD

Nguyên tắc này làm cho án lệ trở nên cần thiết. Cần lưu ý rằng giá trị của án lệ nằm ở phần tinh túy nhất của nó: Phần luận cứ, tức là những quan điểm, nguyên tắc, lý lẽ mà dựa vào đó các thẩm phán đưa ra phán quyết.

Đọc các án lệ thường thấy không chỉ có luận cứ của các thẩm phán phe đa số mà luận cứ của phe thiểu số cũng được in lại đầy đủ. Như vậy, giá trị của một án lệ chính là trí tuệ, kinh nghiệm, tâm huyết của các thẩm phán trong việc vận dụng pháp luật, đúc kết lên thành những luận cứ có sức thuyết phục cao, làm nền tảng cho phán quyết của mình.

Ở các nước, án lệ được phổ biến công khai, ai cũng có thể đọc và tìm hiểu vì sao các thẩm phán lại phán quyết như vậy. Các sinh viên luật khi học trong trường là học những tinh hoa được chưng cất từ thực tiễn ấy chứ không chỉ học những lý thuyết suông.

Chính vì vậy, cả các nước theo thông luật và dân luật luôn quan tâm nghiên cứu và vận dụng án lệ. Một bản án được xét xử nghiêm túc, đúng đắn chứa đựng tinh hoa của trí tuệ và lương tâm của quan tòa. Những giá trị ấy phải được kế thừa và lan truyền, được tôn trọng, bổ sung và hoàn thiện.

Nên áp dụng ở Việt Nam ra sao?

Áp dụng án lệ ở Việt Nam liên quan đến toàn bộ hệ thống pháp luật. Chúng ta nên nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng án lệ ở các nước dân luật như Đức, Pháp, Nhật và cả ở một số nước đang phát triển.

Về cách làm, trước hết chúng ta nên thành lập một ban nghiên cứu và soạn thảo đề án với sự tham gia của các chuyên gia từ TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các trường đại học luật... Chủ trì nhóm nghiên cứu này nên là Quốc hội nhưng cũng có thể giao cho TAND Tối cao hay Bộ Tư pháp.

Đề án sẽ đưa ra những việc phải làm để áp dụng án lệ ở Việt Nam. Tất nhiên sẽ phải xác định những điều cần sửa chữa, bổ sung đối với luật tố tụng và các luật khác, nếu có liên quan đến hiến pháp thì phải sửa cả một số điều của hiến pháp. Tuy nhiên, có những việc có thể làm ngay mà không phạm luật thì nên tiến hành làm. Ví dụ:

- Nên bắt đầu bằng việc tạo điều kiện cho mọi người được đọc, nghiên cứu bản án, trừ những bản án xử kín. Có thể cho xuất bản, lưu hành bản án trong các thư viện hay cung cấp như những tài liệu chuyên ngành cho những thành phần tham gia tố tụng, luật sư và người nghiên cứu, giảng dạy, học tập pháp luật...

- TAND Tối cao nên tiếp tục chọn lựa, hệ thống hóa, công bố những bản án phúc thẩm, giám đốc thẩm mang tính điển hình trong các lĩnh vực và có thể chính thức gọi là những án lệ. Trước mắt có thể bổ sung luật tố tụng hình sự và hành chính, tiếp theo là dân sự bằng cách đề ra một số quy định ngăn chặn, hạn chế việc xét xử tùy tiện bất chấp án lệ, chí ít cũng ở cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm.

- Cần áp dụng triệt để phương pháp “đối tụng”, nghĩa là tố tụng dựa vào tranh luận và chất vấn giữa các bên đối lập. Trong tố tụng hình sự, kiểm sát viên phải tranh luận tất cả nội dung phản biện mà luật sư nêu ra. Phải cho phép các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư được tranh tụng bằng cách dẫn chiếu những án lệ đã có hiệu lực.

- Trong bản án, thẩm phán phải đầu tư công sức, trí tuệ nhiều hơn cho phần luận cứ, phải trả lời và phân tích tất cả vấn đề được nêu trong quá trình xét xử. Phần này phải là một bộ phận cấu thành quan trọng của bản án và có thể bị kháng cáo.

- Các trường luật phải giảng dạy bằng lý thuyết gắn chặt với bản án điển hình. Giáo trình phải được minh họa, dẫn chứng bằng những bản án có thực.

Việc áp dụng án lệ ở Việt Nam nên bắt đầu ngay từ bây giờ. Để trễ hơn thì tiếp tục lãng phí chất xám và làm hoạt động tố tụng của Việt Nam càng tụt hậu, càng bất cập so với nhu cầu của xã hội hiện đại và lợi ích của  người dân.

Chuyện về án lệ

Về bản chất, án lệ là một nguyên tắc tố tụng, bắt nguồn từ nước Anh thời Trung cổ với tên gọi là thông luật (common law), sau được áp dụng ở Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Malaysia, Singapore.

Nguyên tắc này quy định rằng: Những bản án sắp sửa được tuyên không được trái với những bản án mà tòa cùng cấp hay tòa cấp trên đã tuyên và có hiệu lực trước đó nếu như tình tiết của các vụ án giống hoặc tương tự nhau.

Án lệ về hình thức là những bản án đã trở thành luật, tạo thành một thứ luật có tên gọi là luật án lệ (case law) hay luật do thẩm phán làm ra (judge-made law), bên cạnh luật do quốc hội ban hành (legislation hay statutory law).

Việc xét xử ở các nước thông luật dựa trên hai nguồn luật chính là luật do quốc hội ban hành và luật án lệ. Ở các nước thông luật, án lệ ra đời trong những điều kiện sau đây:

- Khi chưa có luật nhưng tòa vẫn phải xử để bảo đảm công lý và bản án đó trở thành án lệ (precedent), nghĩa là trở thành luật cho những vụ việc tương tự;

- Khi luật không rõ ràng, thẩm phán phải tự mình nhận thức, giải thích luật và thể hiện nhận thức đó trong bản án. Bản án đó trở thành luật cho những tình huống tương tự;

- Đã có luật nhưng phát sinh tình huống mới mà luật chưa dự liệu được nên thẩm phán phải vận dụng luật hiện hành cho tình huống mới đó.

Ngoài các nước thông luật, phần lớn các nước còn lại trên thế giới theo hệ thống dân luật (còn gọi là hệ thống luật La Mã hay luật lục địa). Hệ thống này bắt nguồn từ luật dân sự La Mã cổ đại, dựa trên nguyên tắc: Luật pháp là những gì được viết ra, ban hành và việc xét xử phải dựa vào đó.

Theo hệ thống luật này gồm có những nước lục địa châu Âu (Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, các nước Đông Âu, Bắc Âu), các nước Mỹ La tinh và một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.

Về cơ bản, các nước dân luật không coi án lệ như một nguyên tắc xét xử bởi quan niệm “luật là những quy định thành văn được ban hành thành luật và những gì không ban hành thành văn bản thì không phải là luật”.

Thực tế, một số nước dân luật có xu hướng xem nhẹ án lệ, không áp dụng, thậm chí không tham chiếu những bản án đã xử. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia dân luật khác, án lệ vẫn được coi trọng vì những lợi ích mà nó mang lại.

Bản án điển hình

Ở nhiều nước theo dân luật, ở cấp tòa phúc thẩm hay tòa tối cao, luật pháp có quy định để hạn chế hay ngăn chặn việc áp dụng luật không nhất quán trong tố tụng dẫn đến những bản án khác biệt, mâu thuẫn nhau.

Đặc biệt, các bản án điển hình ở cấp phúc thẩm hay giám đốc thẩm được dẫn chiếu, tham chiếu khi xét xử như những án lệ có giá trị bắt buộc đối với các tòa cấp dưới trong những vụ án có tình tiết tương tự.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm