VỤ VIỆT KIỀU BỊ BẮT SAU 16 NĂM BỊ TRUY NÃ:

Có quốc tịch Ukraine vẫn phải thụ án

Thông tin Việt kiều Lê Minh Đức (một doanh nhân thành đạt và khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tại Ukraine) bị Công an TP Hà Nội bắt giam đã gây thắc mắc về mặt pháp lý cho nhiều bạn đọc.

Có quốc tịch Ukraine vẫn phải thụ án ảnh 1

Trốn truy nã: Không tính thời hiệu!

Vấn đề thứ nhất: Đức có phải thi hành bản án 15 năm trước? Các hành vi giết người, cướp tài sản, tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng, cố ý gây thương tích của Đức đã xảy ra từ năm 1992. Đức bỏ trốn nên hai năm sau bị tòa xử vắng mặt, phạt tổng cộng 13 năm chín tháng tù. Tính từ khi Đức bị kết án cho đến khi quay về Việt Nam và bị bắt đã hơn 15 năm, thời hiệu thi hành bản án của Đức có còn hay không?

Thạc sĩ Mai Khắc Phúc, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM, phân tích: Theo Điều 55 BLHS, thời hiệu thi hành bản án đối với các trường hợp bị phạt tù từ trên ba năm đến 15 năm (như trường hợp của Đức) là 10 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn này, người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu được tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.

Như vậy, một khi đã có quyết định truy nã của cơ quan chức năng thì dù người phạm tội trốn ở đâu, trốn bao lâu vẫn không ảnh hưởng đến thời hiệu thi hành bản án. Theo đó, tính từ khi bị cơ quan công an bắt tại sân bay Nội Bài, Đức sẽ phải ngồi tù gần 14 năm nữa.

Có quốc tịch nước khác: Vẫn phải thụ án!

Vấn đề gây thắc mắc thứ hai là hiện nay Đức đã có quốc tịch Ukraine thì các cơ quan chức năng Việt Nam có quyền buộc Đức phải thi hành án phạt tù hay không?

Theo Thạc sĩ Phúc, Điều 5 BLHS đã quy định BLHS được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Ngay cả khi Đức đã nhập quốc tịch nước ngoài thì do Đức đã có hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nên cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn có quyền buộc Đức phải thi hành án phạt tù theo bản án của tòa án Việt Nam.

Cần lưu ý là giữa Việt Nam và Ukraine đã có hiệp định tương trợ tư pháp về việc dẫn độ tội phạm. Trong thời gian Đức lẩn trốn tại Ukraine, nếu Đức chưa có quốc tịch Ukraine thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu chính quyền nước sở tại dẫn độ Đức về Việt Nam để thi hành án. Nhưng do Đức đã có quốc tịch Ukraine rồi nên chúng ta không thể yêu cầu nước bạn dẫn giải công dân của họ sang Việt Nam thi hành án.

Trong việc bắt giữ Đức tại sân bay Nội Bài, về mặt ngoại giao, cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cần thông báo cho chính quyền nước bạn biết về những vấn đề liên quan đến việc bắt Đức để buộc Đức thi hành bản án năm 1994 của TAND tỉnh Nam Hà.

Theo hồ sơ, trước đây Lê Minh Đức sống tại tỉnh Nam Hà (nay là Nam Định). Năm 1992, Đức đã có các hành vi giết người, cướp tài sản, tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng và cố ý gây thương tích. Trong quá trình điều tra, Đức được cho tại ngoại. Đến khi nhận được cáo trạng của VKS tỉnh, Đức đã bỏ trốn.

Tháng 5-1993, Công an tỉnh Nam Hà đã ra quyết định truy nã Đức. Một năm sau, do không bắt được Đức nên TAND tỉnh Nam Hà đã xử vắng mặt bị cáo, tuyên phạt Đức tổng cộng 13 năm chín tháng tù. Ngày 8-10-2009, khi từ nước ngoài trở về Việt Nam, Đức đã bị bắt ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài.

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm