RÁC THẢI NGUY HẠI MUA BÁN TRÀN LAN - BÀI 1

Công khai mua bán rác thải

LTS: Theo quy định, các loại can, thùng phuy sắt, thùng nhựa đựng hóa chất sau khi sử dụng phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp vì nó nhiễm các hóa chất rất độc, gây nhiều bệnh tật như ung thư, vô sinh, dậy thì sớm, thai nhi dị dạng… Tuy nhiên, tại Đồng Nai, tình trạng buôn bán các loại rác thải công nghiệp nguy hại chưa qua xử lý gần như công khai và người dân vô tư mua các loại bao bì này về sử dụng, vô tình đầu độc mình mà không biết.

Tại TP Biên Hòa, dọc theo các tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, Bùi Văn Hòa, quốc lộ 1A (đoạn từ ngã ba Trị An, Trảng Bom đến công viên 30-4, phường Tân Biên) nhan nhản các cơ sở buôn bán các loại can, thùng phuy, thùng nhựa… từ 100 đến 1.000 lít. Các loại bao bì này trước đó đựng hóa chất, là rác thải công nghiệp nguy hại nhưng người dân không biết, mua về sử dụng.

Súc sơ rồi bán

Chúng tôi ghé vào đại lý trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn thuộc khu phố 1, phường Tân Hiệp thì gặp ngay nhiều vỏ thùng phuy bằng sắt, nhựa từng đựng thuốc tẩy, sơn, keo, xăng dầu... Nhiều thùng còn nồng nặc mùi thuốc trừ sâu.

Chủ đại lý chào giá: Thùng nhựa 1.000 lít dùng làm bồn chứa nước giá 1,2 triệu đồng. Loại đế gỗ giá 850.000 đồng. Các thùng phuy, thùng nhựa giá 170.000-220.000 đồng, tùy vào chất lượng nhựa. “Chỉ cần đổ xà bông và nước vào lau nhẹ là sạch, dùng để đựng nước sinh hoạt rất tiện. Anh muốn mua bao nhiêu cũng có. Muốn lấy số lượng lớn thì tôi dẫn về kho ở gần ngay đây” - chị này nói.

 
Mua bán thùng, can từng đựng hóa chất ở đại lý trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn thuộc khu phố 1, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa. Ảnh: T.DŨNG

Đối diện là đại lý L. thuộc khu phố 5, phường Trảng Dài, chủ đại lý này cho biết: Ngoài cả ngàn thùng tại đây còn có nhiều kho hàng ở huyện Trảng Bom và phường Long Bình Tân nên cần bao nhiêu cũng có. “Tôi vừa giao 300 bồn 1.000 lít ở miền Tây để làm bồn chứa nước sinh hoạt. Hàng đã súc rửa bằng nước và xà bông rồi nên chỉ mang về là sử dụng chứ không cần súc rửa gì thêm” - chủ đại lý nói.

Tại một căn nhà hai tầng ở phường Hố Nai, sau ba lần nhấn chuông, một người đàn ông ra tiếp chúng tôi, đưa vào trong xem các loại thùng. Cũng như ở những nơi khác, người này cho biết sẽ giao hàng tận nơi, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu.

Không chỉ ở TP Biên Hòa mà trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, quanh các khu công nghiệp như Sông Mây, Bàu Xéo (huyện Trảng Bom), Long Thành (huyện Long Thành), Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch), chúng tôi dễ dàng ghi nhận có hàng chục đại lý bày bán công khai các loại thùng phuy, thùng nhựa đựng hóa chất đã qua sử dụng mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía các cơ quan chức năng.

Vô tư mua về sử dụng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại thùng vốn là các thùng đựng hóa chất công nghiệp như dầu nhớt, các chất tẩy rửa trong các nhà máy dệt, nhuộm, giày da, các loại hóa chất phụ gia để sản xuất sơn, các loại acid công nghiệp… Các hóa chất này phục vụ các ngành sản xuất cơ khí, ô tô, xe máy, điện tử, sơn xi mạ, dệt nhuộm… trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai tuồn ra ngoài. Các đại lý chỉ việc bóc nhãn mác rồi bán và người dân vô tư mua về sử dụng mà không biết rằng chúng có thể gây độc, thậm chí gây bệnh ung thư.

Một nhà trọ ở phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa dùng thùng đựng hóa chất để làm bể chứa nước. Ảnh: T.DŨNG

Một cửa hàng bán đầy các loại thùng, can từng đựng hóa chất. Ảnh: T.DŨNG

Anh Nguyễn Văn H., chủ một khu nhà trọ ở phường Tân Phong, TP Biên Hòa, cho biết: “Lúc đầu tôi định xây bể chứa nước nhưng thấy thợ xây tư vấn nên mua thùng nhựa về làm bể lọc và chứa nước, vừa thuận tiện lại dễ di chuyển. Tính ra thì rẻ gấp nhiều lần so với mua bồn chuyên dùng hoặc xây bể bằng bê tông… Tôi cũng chẳng biết các thùng này trước đây đựng gì. Hơn nữa mình chứa nước cho những người ở trọ chứ mình có dùng nước đó đâu mà lo!” - anh H. nói.

Còn anh Vinh, nhà ở phường Trảng Dài, cho biết: Khi mua, thùng nồng nặc mùi hóa chất nhưng người bán nói là không độc hại, chỉ cần rửa sơ bằng xà bông, ngâm nước một thời gian sẽ hết. Nhưng tôi sử dụng mấy tháng rồi mà vẫn còn phảng phất mùi hôi.

Tương tự anh Nguyễn Văn Trường nhà ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết việc xây bể chứa nước rất tốn kém nên người dân thường chọn mua các loại thùng đựng hóa chất công nghiệp đã qua sử dụng về đựng nước. “Lúc đầu mới mua thùng còn bốc mùi hôi khó chịu nhưng ngâm nước một thời gian chắc chất độc sẽ hết” - anh Trường nói.

Trong các gia đình, ngoài việc dùng các loại thùng đựng nước, người dân cũng thường cắt các thùng, can nhỏ làm máng đựng thức ăn cho gia súc, gia cầm…

Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết: Căn cứ vào Thông tư số 12/2011 của Bộ TN&MT, các loại thùng đựng hóa chất được xem là rác thải công nghiệp nguy hại. Theo quy định phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân được cấp phép thu gom và sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm biến đổi, loại bỏ, cách ly, tiêu hủy hoặc phá hủy tính chất, thành phần nguy hại của chất thải nguy hại (kể cả việc tái chế, tận thu, thiêu đốt, đồng xử lý, cô lập, chôn lấp) với mục đích cuối cùng là không gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người. Không có quy định nào cho phép người dân tái sử dụng vào mục đích chứa nước, thực phẩm.

_____________________________________________

430 công nhân tại Công ty TaekWang Vina, KCN Biên Hòa 2 (TP Biên Hòa) phải nhập viện vào năm 1999 vì ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Trước đó, nhà bếp đã sử dụng thùng từng chứa hóa chất để đựng nấm và khi công nhân ăn loại nấm nhiễm độc này đã phải vào bệnh viện.

TIẾN DŨNG

Kỳ sau: Các cơ quan chức năng thả nổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm