Sáng 27-1, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021–2026.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 3.000 người tại các điểm cầu là các cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác bầu cử, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ, ban công tác mặt trận khu phố, ấp.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là ngày hội lớn của toàn dân, trực tiếp lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây cũng là sự kiện chính trị lớn, quan trọng của đời sống xã hội đất nước và TP trong năm 2021.
Theo ông Trung, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp rất quan trọng, đó là tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức các hội nghị hiệp thương; tổ chức hội nghị cử tri; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức hoạt động giám sát.
Vì thế, ông đề nghị hệ thống MTTQ các cấp phải hết sức nghiêm túc, nỗ lực và phải tuân thủ các thời gian của qui định của luật bầu cử, đảm bảo thành công chung của kỳ bầu cử năm nay.
Ngoài ra, do diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nên ông đề nghị hệ thống MTTQ các cấp cần phải triển khai sớm các nội dung, lên các kịch bản để tránh bị động.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt, triển khai công tác bầu cử theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban bầu cử TP.HCM và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu triển khai một số nội dung cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Ảnh: TÁ LÂM
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đã nêu một số nội dung cơ bản của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Theo đó, tại TP.HCM, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM tối đa là 3 người; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó trưởng ban và Ủy viên ở mỗi Ban của HĐND TP tối đa là 4 người.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại TP.HCM có 16 quận sẽ bầu hai cấp. Riêng cử tri TP Thủ Đức sẽ bầu ba cấp, gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP.HCM và đại biểu HĐND TP Thủ Đức.
Đối với năm huyện của TP (63 xã, thị trấn) sẽ bầu bốn cấp. Cụ thể là bầu đại biểu HĐND xã/thị trấn, đại biểu HĐND huyện, đại biểu HĐND TP và đại biểu Quốc hội.
Cũng theo ông Hậu, cơ cấu HĐND TP Thủ Đức sẽ có 35 đại biểu, HĐND các huyện có 35 đại biểu, HĐND 63 xã/thị trấn có 30 đại biểu. Trong đó cần lưu ý ít nhất 35% là nữ, người ngoài Đảng không thấp hơn 10%; người trẻ dưới 40 tuổi không thấp hơn 15%, tái cử 30% trở lên. Đồng thời, cần giảm người trong cơ quan quản lý Nhà nước.
“Chúng ta phấn đấu, giới thiệu bầu được những đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; đảm bảo tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn” – ông Hậu nói.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021–2026 sẽ diễn ra vào ngày 23-5-2021.
Trước đó, hội nghị hiệp thương lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 3-2 đến 17-2 và hội nghị hiệp thương lần 2 diễn ra xong trước ngày 19-3.
Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 lựa chọn lập danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử phải xong trước ngày 18-4.
Đến ngày 24-4 phải gửi danh sách người ứng cử tới Hội đồng bầu cử Quốc gia và ngày 28-4-2021, Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ công bố danh sách chính thức ứng cử.