Ngày 5-7, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH&TT TP Đà Nẵng (đơn vị cấp phép nội dung chương trình “Hành trình kết nối yêu thương” số 12), xác nhận Thanh tra sở này đang làm việc với ban tổ chức (BTC) chương trình để làm rõ các nội dung bất thường mà báo chí phản ánh.
Nhiều báo phản ứng vì “tự nhiên được bảo trợ”
Theo ông Hùng, Sở VH&TT đã yêu cầu BTC chương trình (diễn ra tối 5-7 tại Nhà hát Trưng Vương) tuyệt đối tuân thủ nội dung đã đăng ký với Sở, nếu vượt ra ngoài nội dung là phải xử lý. Sở VH&TT cũng buộc BTC chương trình phải đính chính lại rõ là đơn vị nào thực sự bảo trợ truyền thông.
Trước đó, Công ty cổ phần Xã hội Hành trình kết nối yêu thương Việt Nam có công văn gửi Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, Quỹ Bảo trợ trẻ em TP Đà Nẵng (người ký tên là ông Đinh Trọng Vỹ) về việc phối hợp tổ chức chương trình “Hành trình kết nối yêu thương” số 13 năm 2019 tại TP Đà Nẵng (thư mời gửi các cơ quan báo chí thì chương trình được ghi là số 12).
BTC chương trình liệt kê hàng loạt lãnh đạo cấp cao từ trung ương tới địa phương từng tham dự chương trình. Tuy nhiên, có trường hợp lãnh đạo đã mất như bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Trần Lưu Quang đã về Thành ủy TP.HCM làm phó bí thư nhưng vẫn ghi là bí thư Tây Ninh; hay ông Nguyễn Ngọc Quang đã về hưu nhưng vẫn được giới thiệu là bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Bên cạnh đó, “Hơn 50 cơ quan thông tấn báo chí cùng 100 đại sứ Hành trình kết nối yêu thương đại diện cho 63 tỉnh, thành và năm châu. Họ là hoa hậu, hoa khôi, diễn viên, ca sĩ, người mẫu, doanh nhân thành đạt và hơn 2.000 doanh nghiệp trên mọi miền Tổ quốc về tham gia vì cộng đồng” - BTC thông tin.
Cũng theo BTC chương trình này thì nhiều cơ quan báo chí như Đài Truyền hình ANTV, các báo Công An Nhân Dân, Thanh Niên, Dân Trí, Tuổi Trẻ… được cho là bảo trợ truyền thông và đưa tin. Có điều sau đó thì báo Công An Nhân Dân có văn bản đề nghị cơ quan chức năng Đà Nẵng kiểm tra, xử lý việc bị mạo danh bảo trợ truyền thông cho chương trình nói trên, báo Dân Trí cũng vậy… Những cơ quan này đều khẳng định không bảo trợ truyền thông cho chương trình.
Gala Dinner của “Hành trình kết nối yêu thương” diễn ra tối 4-7. Ảnh: TẤN VIỆT
Poster của chương trình. Ảnh: TẤN VIỆT
Dấu hỏi về số tiền làm từ thiện
Được biết trong kế hoạch tổ chức chương trình, tổng giá trị phần quà được trao thể hiện là 295 triệu đồng. Thế nhưng trong thư mời và thông cáo báo chí, tổng giá trị lên tới 926 triệu đồng và 6 tỉ đồng giá trị bảo hiểm. Giám đốc Sở VH&TT TP Đà Nẵng cho hay vấn đề quyên góp tiền chỗ nào, sử dụng đúng mục đích hay không thì không phải trách nhiệm của Sở VH&TT nhưng BTC chương trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc vận động quỹ tài trợ từ thiện.
Còn ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng kiêm Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em TP Đà Nẵng, xác nhận đơn vị có phối hợp tổ chức chương trình nói trên. Ông Nguyên cho biết việc phối hợp này chỉ là giới thiệu danh sách những hoàn cảnh khó khăn theo đề xuất của BTC chương trình để được nhận quà từ thiện, chứ không nắm về số tiền chương trình quyên góp được.
Cũng theo ông Nguyên, đây là năm thứ ba liên tiếp chương trình được tổ chức ở Đà Nẵng. “Theo nhận định thì đơn vị này làm việc bài bản, chuyên nghiệp” - ông Nguyên nói. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc BTC chương trình có một số dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo, hay dư luận đặt dấu hỏi về số tiền trao từ thiện thực tế so với tổng số tiền quyên góp được, ông Nguyên cho hay: “Cái này chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, tránh lập lờ”.
Được biết chương trình “Hành trình kết nối yêu thương” số 12 đã diễn ra trong tối 5-7 nhưng lãnh đạo Sở VH&TT và Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng đã thống nhất dừng việc truyền hình trực tiếp chương trình này. Ngoài ra, trong buổi làm việc với ông Đinh Trọng Vỹ cùng ngày, Thanh tra Sở VH&TT đã yêu cầu sau khi chương trình kết thúc, BTC phải báo cáo kết quả chương trình về cho Sở, chi tiết về số tiền vận động được và số tiền được trao.
Chiều 5-7, tại Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng), Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Trọng Vỹ, người sáng lập chương trình “Hành trình kết nối yêu thương”. Theo ông Vỹ, ông sáng lập chương trình là để tuyên truyền bốn quyền cơ bản của trẻ em. Về việc tự ý cho in logo của nhiều cơ quan báo chí dưới danh nghĩa bảo trợ truyền thông, ông Vỹ nói cứ nghĩ chương trình làm từ thiện, nhiều ý nghĩa thì báo chí chia sẻ. “Trong nước không sót một đài, báo nào không từng tới quay phim hoặc đưa tin về chương trình, mình thấy vậy thì đưa logo ra nói đây là những đơn vị đưa tin về chương trình. Nhưng luật pháp nói đây là sai. Sau khi báo chí nói thì tôi tháo liền, đó là lỗi của tôi, tôi chưa hiểu rõ luật lệ trong việc này” - ông Vỹ nói.
Về sự khác nhau về tổng số tiền sẽ trao giữa kế hoạch chương trình và thư mời báo chí, ông Vỹ nói đó là chênh lệch giữa cam kết và dự tính thu về. Nếu không đủ thì ông sẽ “bù vào” và qua 12 chương trình thì ông đã bù 14 tỉ đồng. Với việc trong thông cáo báo chí, ông giới thiệu nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương từng tham dự các số trước nhưng nhiều chức danh ghi sai, ông Vỹ giải thích tất cả người có tên đều từng tham dự. “Nhưng cái này, tôi sai về nguyên tắc gọi tên chức danh” - ông Vỹ. Cũng theo ông Vỹ, ngày 15-7 tới, ông sẽ họp báo tại Hà Nội và “sẽ nói thẳng hết những tâm nguyện của mình. Nếu truyền thông không ủng hộ thì tôi không làm nữa”. |