Chính phủ vừa có dự thảo Nghị quyết về việc miễn thị thực có thời hạn với các nước Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hoà Belarus.
Cụ thể, dự thảo Nghị quyết đề xuất miễn thị thực cho công dân của các quốc gia trên khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cũng theo dự thảo Nghị quyết, chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu trên được thực hiện trong thời hạn ba năm, kể từ ngày 15-3 năm 2022 đến hết ngày 14-3 năm 2025 và sẽ được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Du khách đến Đà Nẵng dịp Tết. Ảnh: SDL
Trước đó, ngày 11-3, tại Diễn đàn Luồng xanh cho du lịch cất cánh, bà Phan Thị Minh Giang, Trợ lý Cục trưởng, Trưởng phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, cho biết thời gian qua, chính sách về xuất nhập cảnh và thị thực trong thời gian du lịch trong giai đoạn đại dịch, Chính phủ đã quyết định tạm dừng hiệu lực cấp miễn thị thực và nhập cảnh, trừ một số trường hợp ngoại lệ như nhà ngoại giao, nhà đầu tư…, và yêu cầu cách ly có thời điểm 14, thậm chí đến 21 ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế, để đáp ứng mục tiêu kép, từ giữa năm 2020, Bộ Ngoại giao đã đề xuất thực hiện quy chế đi lại ưu tiên cho khách làm việc ngắn ngày, mở đường bay thương mại đến một số đối tác có hệ số an toàn cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan… để từng bước nối lại đi lại với các nước.
Cùng với kết quả nổi bật trong chiến dịch tiêm chủng và ngoại giao vaccine, Việt Nam có cơ sở để chuyển sang chính sách thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Với tinh thần Nghị quyết 128, Chính phủ đã có những điều chỉnh về chính sách thị thực và kiểm tra y tế sau nhập cảnh theo hướng nới lỏng.
“Những điều chỉnh này tạo tiền đề cho quá trình tham mưu xây dựng chính sách, cũng như là cơ sở quan trọng để triển khai mở cửa đi lại, du lịch trong thời gian tới"- bà Giang nhấn mạnh.
Theo bà Giang, Bộ Ngoại giao đã đề xuất những phương án đề xuất, tập trung vào những điểm chính, bao gồm để thực sự mở cửa đón khách quốc tế, cần áp dụng quy trình cấp thị thực, giấy miễn thị thực theo đúng quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các yêu cầu cách ly sau nhập cảnh kiến nghị xem xét bãi bỏ, không hạn chế theo mục đích nhập cảnh. Hiện nay chúng ta đã điều chỉnh về chính sách nhập cảnh theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhưng vẫn bị giới hạn và chưa hoàn toàn triển khai theo đúng Luật Nhập cảnh. Do đó, từ góc độ của Bộ Ngoại giao, Chính phủ cần xem xét áp dụng trở lại theo quy định Luật hiện hành.