Đường vành đai 2 vẫn ngổn ngang

“Công việc trọng tâm của ngành giao thông TP.HCM trong năm 2012 là khép kín đường vành đai 2” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh khi tổng kết công tác của ngành giao thông năm 2011 và đề ra kế hoạch năm 2012. Đến nay, thời gian của năm 2012 không còn nhiều nhưng một số đoạn của tuyến đường này vẫn ngổn ngang từ khâu giải phóng mặt bằng, tìm kiếm vốn, kêu gọi đầu tư…

Sắp hết hạn vẫn “nghiên cứu”

Theo quy hoạch phát triển GTVT của TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn tới 2030, đường vành đai 2 dài gần 70 km. Đây là tuyến khép kín từ đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) đến cầu Phú Mỹ (quận 7) đổ ra ngã tư Bình Thái (quận 9), nối vào nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) rồi ra quốc lộ 1, vòng về nút giao Tân Tạo (quận Bình Tân), vào đường Hồ Học Lãm - Ba Tơ và chạm “đích” là đường Nguyễn Văn Linh.

Nhìn trên bản đồ quy hoạch, đường vành đai 2 là một tuyến giao thông khép kín, tạo ra một trục giao thông quan trọng ở các cửa ngõ TP. Nhưng lúc này, muốn đi trọn tuyến vành đai 2 thì ở nhiều đoạn, giải pháp duy nhất là phải đi… bộ. Cụ thể, hiện đoạn từ nút giao Gò Dưa (phường Tam Bình, quận Thủ Đức) qua các phường Tam Phú, Linh Đông đến cầu Rạch Chiếc 2 (quận 9) dài khoảng 9 km vẫn um tùm cây cỏ. “Các địa phương vẫn chưa xác định được thời hạn bàn giao mặt bằng thì nói gì đến việc xây dựng khép kín cả tuyến” - ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, Sở GTVT, cho hay.

Đường vành đai 2 vẫn ngổn ngang ảnh 1

Một dự án nhỏ của tuyến vành đai 2 khởi động đã lâu nhưng vẫn ngổn ngang. Ảnh: CTV

Ngoài ra, đoạn từ đường Hồ Học Lãm nối Nguyễn Văn Linh với quốc lộ 1 dài hơn 5 km cũng đang bị đứt khúc. Trước đây Petroland từng muốn đầu tư đoạn đường này với tổng vốn trên 8.000 tỉ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng nay đơn vị này “không muốn tiếp tục”.

Các đoạn hở còn lại là từ cầu Rạch Chiếc 2 đến ngã tư Bình Thái, từ ngã tư Bình Thái đến nút giao Linh Đông - cầu Gò Dưa và từ nút giao này đến nút giao Gò Dưa (phường Tam Bình, Đức). Hiện các đoạn chưa biết bao giờ sẽ hoàn thành, bởi công việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa “chạy” được.

Ngoài vấn đề mặt bằng, khó khăn lớn nhất trong việc khép kín đường vành đai 2 là vốn đầu tư. Sau một thời gian dài chưa tìm được lối ra, mới đây UBND TP.HCM phải ra quyết định yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, huy động vốn từ giải phóng mặt bằng đến xây dựng cầu, đường khép kín tuyến vành đai 2.

Chưa biết ngày hoàn thành

Theo ông Phạm Quốc Chương, Phó phòng Kế hoạch Đầu tư, Sở GTVT, dự kiến đến cuối năm 2012 một đoạn của đường vành đai 2 dài 5,5 km từ nút giao liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc có thể hoàn thành. Nhưng tiến độ này có được đảm bảo hay không là một chuyện khác, do chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ (PMC) đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn vốn cho các dự án khác trên đường vành đai 2, như cầu Phú Mỹ. Cũng chính vì khó khăn này mà thời gian qua PMC muốn “trả” lại dự án cầu Phú Mỹ cho TP.

Trong khi đó, xây cầu Rạch Chiếc 2 và mở đường từ cầu ra nút giao Bình Thái đến nay vẫn chưa biết ngày hoàn thành, dù đây chỉ là một đoạn ngắn của tuyến vành đai 2, được nghiên cứu bài bản và có nhà đầu tư đánh tiếng tham gia. “Dự án chậm chạp, kéo dài sẽ đội tổng vốn đầu tư. Song việc đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ dự án từ khâu giải phóng mặt bằng đến tiến độ thi công lại rất khó khả thi” - ông Nguyễn Văn Lâm, Phó ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM, nhận định sau khi giám sát một đoạn đường vành đai 2.

Trước tình hình trên, UBND TP.HCM vừa quyết định thành lập tổ công tác nghiên cứu cơ chế huy động vốn đầu tư, khép kín đường vành đai 2. Nhiệm vụ của tổ là đề xuất phương án đầu tư các dự án thành phần trên tuyến vành đai 2, gồm cả phần bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng cầu, đường trên tuyến. Biện pháp phát hành trái phiếu cũng được TP.HCM gợi ý để tổ công tác có phương án huy động vốn để khép kín tuyến vành đai 2.

Chưa xong đã hư

Đó là một đoạn của đường vành đai 2 từ chân cầu Phú Mỹ đến đường Đồng Văn Cống dài hơn 3 km. Chỉ sau một thời gian ngắn kể từ ngày đưa vào khai thác, trên đoạn đường này xuất hiện hàng loạt “ổ voi”. Các cơ quan chức năng nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư khắc phục triệt để nhưng cuối cùng PMC cũng “bỏ chạy”. Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2 đã phải chi 80 tỉ đồng để nâng cấp đoạn đường này.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm