Hơn 15.000 người dập cháy rừng ở Hà Tĩnh, Nghệ An

Đến chiều tối 30-6, sau ba ngày, đám cháy rừng ở Nghệ An và Hà Tĩnh cơ bản đã được khống chế. Lực lượng chức năng vẫn túc trực đề phòng lửa bùng phát trở lại.

Bước đầu có hai người tử vong khi nỗ lực cứu rừng và hơn 150 ha rừng thông bị lửa thiêu cháy.

“Bằng mọi giá phải dập được cháy rừng”

Chiều 30-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến hiện trường vụ cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chỉ đạo việc chữa cháy rừng, động viên, thăm hỏi các lực lượng chữa cháy và người dân. Phó Thủ tướng cũng biểu dương nhà hàng Minh Hồng (TP Vinh, Nghệ An) đã mang 1.000 suất ăn sang phục vụ miễn phí lực lượng tham gia chữa cháy cứu rừng trên núi Hồng Lĩnh.

Trưa cùng ngày, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cũng đến thực địa kiểm tra việc dập lửa, động viên các lực lượng tham gia chữa cháy rừng tại núi Hồng Lĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Tại núi Hồng Lĩnh, ông Chính yêu cầu các lực lượng khoanh vùng đám cháy và hỏi lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh là “Có cần điều trực thăng, điều cái gì tham gia chữa cháy hay không?”.

Ông Chính biểu dương lãnh đạo Quân khu 4, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã sát cánh cùng nhau chữa cháy cứu rừng Hồng Lĩnh. Ông cũng biểu dương các lực lượng kiểm lâm, cảnh sát PCCC, công an, dân quân, người dân… đã ba ngày đêm nỗ lực chữa cháy, cứu rừng.

“Phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến cháy rừng và dập ngay các vụ cháy rừng” - ông Chính nhấn mạnh.

Trước đó, sau ba ngày cháy rừng thông hàng chục năm tuổi ở núi Hồng Lĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thì đến rạng sáng 30-6, lửa lại bùng cháy dữ dội trở lại.

Trong buổi sáng 30-6, giao thông qua quốc lộ 1A đoạn thị xã Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân bị phong tỏa để xe chữa cháy tiếp nước và đề phòng nguy hiểm.

Các trạm xăng dầu dưới chân núi Hồng Lĩnh phải tạm ngừng hoạt động. Một số hộ dân phải di chuyển đến nơi an toàn.

Tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã huy động, điều động khoảng 15.000 người gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ, người dân… tham gia mở đường băng cản lửa, dập lửa. Do địa hình đồi núi dốc, gió Lào quật mạnh, nắng nóng lâu ngày nên lớp thực bì bắt lửa dữ dội và nguy cơ bùng cháy trở lại là rất lớn.

Lực lượng chức năng nỗ lực chữa cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ảnh: Đ.LAM

Ông Phạm Minh Chính đến núi Hồng Lĩnh chỉ đạo chữa cháy. Ảnh: Đ.LAM

Nghi đốt rác gây cháy rừng

Sáng 30-6, lửa cháy rừng từ huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) lan sang khu rừng huyện Nam Đàn, Nghệ An sát nhà dân. Bà Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, trú xã Nam Kim), chủ khu rừng bị cháy, đã cùng các lực lượng lao đi cứu rừng. Bà Hoa vừa chữa cháy vừa đưa nước tiếp tế cho các lực lượng đang vật lộn với đám lửa nhưng đến trưa cùng ngày, sau khi dập tắt vụ cháy thì mọi người phát hiện bà Hoa đã tử vong trong tư thế ngồi.

Ông Võ Văn Nam, chuyên viên UBND xã Nam Kim, nói trong nước mắt: “Lúc đó bà Hoa lao vào để chữa cháy, mọi người biết bà Hoa có tiền sử bệnh tim nên đã can ngăn nhưng bà đã cố gắng vào rừng để chữa cháy và tiếp tế cho lực lượng chữa cháy, bị tử vong trong lửa”.

Cũng trong sáng 30-6, khi nỗ lực cứu vườn chè cháy khô, anh Hoàng Văn Đạo (32 tuổi, trú xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An) bị tử vong nghi do kiệt sức.

Sau khi xảy ra vụ cháy rừng, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã tạm giữ hình sự nghi can Phan Đình Thành (46 tuổi, trú xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) vì liên quan đến vụ cháy rừng thông hàng chục năm tuổi ở núi Hồng Lĩnh.

Bước đầu Thành khai nhận: Trưa 28-6, Thành ra vườn gom rác vào khu vực cuối vườn ở gần rừng rồi đốt. Do trời nóng, gió Lào thổi mạnh nên lửa đã cháy lan ra khắp vườn. Lúc đó Thành đã dùng xô múc nước dập lửa nhưng không được bèn tri hô, gọi mọi người đến giúp.

Lúc này lửa đã cháy mạnh và lan từ vườn nhà Thành sang khu vực rừng thông phía sau, lan lên rừng thông xã Xuân Hồng, cả khu vực rừng phòng hộ xã Xuân Hồng và rừng phòng hộ thuộc thị trấn Xuân An.

100 hộ dân dưới chân núi Hồng Lĩnh phải di chuyển đến nơi an toàn và vụ cháy kéo dài đến chiều 30-6.

Thủ tướng chỉ đạo cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Thủ tướng vừa có công điện về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ: Nông nghiệp, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành...

+ Khẩn trương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cấp bách về lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao. Kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn.

+ Bộ Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương tại các khu vực trọng điểm; cử lãnh đạo và cơ quan chức năng xuống hỗ trợ các địa phương ứng trực và chỉ huy chữa cháy rừng.

+ Bộ Quốc phòng, Công an chỉ đạo chuẩn bị các phương án, lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống cháy rừng, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu…

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ website: kiemlam.org.vn, thông tin ngay khi cháy rừng xảy ra về Cục Kiểm lâm theo số điện thoại: 098 666 8 333; email: fpd@kiemlam.org.vn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm