Kéo nhau ra tòa vì tiệm Internet

Ngày 30-12, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, buộc bị đơn là ông H. phải thanh toán gần 11 triệu đồng cho nguyên đơn là ông T. trong vụ kiện đòi tiền sang tiệm Internet. Cạnh đó, tòa cũng tuyên nguyên đơn phải trả cho bị đơn hơn 9 triệu đồng…

Sang tiệm nhưng không sang ly chén

Theo đơn khởi kiện, ông T. trình bày ngày 29-3, ông sang nhượng tiệm Internet đang hoạt động của mình cho ông H. với giá 168 triệu đồng. Nội dung giấy xác nhận ghi: “Sang toàn bộ gồm giấy phép kinh doanh dịch vụ Internet, 31 máy vi tính đang sử dụng được, hợp đồng thuê nhà, máy phát điện, máy nóng lạnh, quạt treo tường, ghế, bàn… và các vật dụng khác phục vụ việc kinh doanh dịch vụ Internet”. Ông H. đã trả gần hết số tiền sang nhượng, còn lại 10 triệu đồng rồi ngưng nên ông không đồng ý.

Phản tố lại, ông H. cho biết hai bên thỏa thuận “sang toàn bộ”, việc liệt kê chỉ mang tính đại diện. “Tiếp quản” được 10 ngày, ông phát hiện ông T. tự ý mang dọn hết chén tô, ly tách, bình đá, phin cà phê, bếp gas mini… (những dụng cụ này dùng để phục vụ cho khách ăn nhẹ) khiến ông phải sắm mới hết 2 triệu đồng nên ông không thể phục vụ khách ăn uống trong nhiều ngày. Chưa hết, ngày 15-4, tự dưng mạng Internet ngưng hoạt động. Hành động này có thể coi là hành động phá hoại của ông T. bởi đây là quyền lợi đương nhiên ông được kế thừa. Việc thanh lý này khiến ông phải “lạy lục” nhà cung cấp cũ nối mạng tạm thời để ông phục vụ khách hàng. Do đó, ông T. phải bồi thường 14 triệu đồng, trong đó có 2 triệu đồng tiền sắm mới ly chén, 8 triệu đồng chi phí nối lại đường truyền và các chi phí mà ông T. chưa thanh toán trước khi bàn giao tiệm như tiền thuế, tiền điện, tiền cước mạng, phí truyền hình cáp…

Kéo nhau ra tòa vì tiệm Internet ảnh 1

Hai bên đều có lỗi

Tại các phiên hòa giải, cả hai ông đều rất căng thẳng. Ông H. đồng ý thanh toán cho ông T. 4,6 triệu đồng tiền chi phí khi ký hợp đồng. Còn ông T. giảm bớt số tiền yêu cầu bồi thường, chỉ đòi ông H. trả đủ 5 triệu đồng. Tuy nhiên, hai bên không ai nhường ai nên tháng 9-2011, TAND quận Tân Phú phải đưa vụ án ra xét xử. Tòa tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn...

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T. trình bày khi bàn giao đã thỏa thuận ly chén… là vật dụng gia đình, không phục vụ vào việc kinh doanh. Trong hợp đồng và lúc sang phòng máy, ông H. cũng không đề cập đến những vật dụng này. Ông H. không chịu trả đủ tiền mà còn đòi cấn trừ 2 triệu đồng đã bỏ ra để mua sắm các vật dụng linh tinh đó là không hợp lý. Ông cắt Internet bởi không có văn bản nào nói rằng ông sang nhượng dịch vụ Internet cả…

Ông H. cho rằng một tiệm Internet không có mạng Internet thì không thể hoạt động. Ông nhận sang tiệm là để kinh doanh Internet, việc cắt đường truyền thì không còn là tiệm Internet nữa. Ông T. tự ý ngưng dịch vụ nên phải đóng toàn bộ khoản chi phí này. Mặt khác, tiệm Internet phải có các dụng cụ ly chén để phục vụ khách hàng ăn uống.

Sau khi xem xét, HĐXX nhận định ông H. phải sắm mới ly chén… là có thật. Ông T. không để lại ly chén... cũng có thật. Nhưng do hai bên không thỏa thuận rõ nên hai bên đương sự đều có lỗi. Tòa buộc mỗi bên chịu một nửa chi phí mua sắm ly chén...

Cạnh đó, hợp đồng ghi rõ “tiệm Internet hoạt động bình thường”, tức là phải có Internet. Ông T. tự ý cắt hợp đồng dịch vụ, còn ông H. lại không hợp tác với ông T. để sang tên đường truyền cho mình. Việc này cả hai đều có lỗi nên cũng phải chịu một nửa thiệt hại.

Cuối cùng, sau khi cân nhắc lỗi hai bên, tòa tuyên ông H. phải thanh toán cho ông T. gần 11 triệu đồng, ông T. trả cho ông H. hơn 9 triệu đồng. Tòa cũng nhắc hai ông mâu thuẫn này có thể tự giải quyết nhẹ nhàng nếu hai bên bớt đi tự ái. Hai ông đã tự gây nên căng thẳng không đáng có, dẫn đến phải đưa nhau ra tòa, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc.

Phải có dịch vụ Internet kèm theo

Hợp đồng ghi rõ sang nhượng toàn bộ, tức phải có đường truyền dẫn. Ông T. tự ý cắt đường truyền làm cho mục đích chính của ông H. khi sang tiệm không đạt được. Theo Điều 409 BLDS, khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó. Nếu hợp đồng không ghi việc sang nhượng đường truyền như ông T. nói thì cũng phải hiểu rằng mục đích ông H. khi sang nhượng tiệm là kinh doanh Internet. Nên việc ông H. đòi sang nhượng toàn bộ, trong đó có đường truyền là hợp lý.

Luật sư TRỊNH CÔNG MINH(Đoàn Luật sư TP.HCM)

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm