BÍ THƯ THÀNH ỦY TP.HCM NGUYỄN THIỆN NHÂN:

‘Không để chậm trễ chính sách cho dân Thủ Thiêm’

Sáng 9-7, Hội nghị lần thứ 30 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục làm việc với phiên thảo luận tại hội trường và bế mạc.

Tiếp tục đối thoại với dân Thủ Thiêm

Phát biểu bế mạc, liên quan đến các vấn đề về khu đô thị mới Thủ Thiêm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra, lãnh đạo TP.HCM và quận 2 đã nhiều lần gặp gỡ với người dân Thủ Thiêm. Từ các cuộc gặp gỡ này, dự thảo về chính sách giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đã được hoàn thiện. Song ông Nhân đề nghị các cơ quan liên quan gặp gỡ, đối thoại với người dân Thủ Thiêm thêm một lần nữa trước khi trình dự thảo để HĐND xem xét và thông qua.

Ông Nhân cho rằng kỳ họp HĐND TP khai mạc ngày 11-7 có thể sẽ không kịp trình dự thảo chính sách này. “Nhưng khi đã đối thoại xong, UBND TP sẽ trình dự thảo chính sách giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm và HĐND sẽ tổ chức kỳ họp bất thường để giải quyết việc này” - ông Nhân nói.

Liên quan đến việc nhiều người dân của năm khu phố thuộc ba phường Bình An, Bình Khánh và An Khánh vẫn còn băn khoăn về diện tích nhà của họ trước đây nằm ngoài ranh quy hoạch, ông Nhân đề nghị UBND TP có văn bản trả lời cho người dân rõ.

Về vấn đề trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà nước có những việc làm không đúng pháp luật, ông Nhân yêu cầu phải làm theo hướng dẫn các bộ, ngành đã có kết luận vừa qua.

Theo bí thư Thành ủy, vấn đề Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm, một số bà con cũng rất bức xúc, cũng có bị ảnh hưởng nên TP phải dành sự quan tâm cần thiết. Bí thư Thành ủy yêu cầu việc thực hiện chính sách với người dân cần phải làm cho kỹ, đúng pháp luật. “Đặc biệt, lúc nào UBND TP trình dự thảo chính sách giải quyết quyền lợi cho người dân Thủ Thiêm sang Thường vụ cho ý kiến thì đề nghị HĐND TP cần họp ngay lập tức để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm. Chính sách với người dân Thủ Thiêm là thực hiện tối đa, không thể chậm trễ” - ông Nhân nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: “ Việc thực hiện chính sách với người dân Thủ Thiêm  cần phải làm cho kỹ, đúng pháp luật”.  Ảnh: T.LÂM

Quan tâm đặc biệt đến quản lý đất đai, xây dựng

Được đề nghị giải trình tại phiên thảo luận hội trường về vi phạm xây dựng, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng cho rằng một trong những giải pháp thực hiện có hiệu quả thời gian qua là thực hiện cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm ngay từ đầu.

Đơn cử là trong giai đoạn 2014-2016, số vụ vi phạm đất đai, xây dựng ở huyện là 2.910 trường hợp, trong đó chỉ 180 vụ (chiếm khoảng 6%) được phát hiện, xử lý ngay từ đầu. Nhưng sau khi ban hành nghị quyết chuyên đề quản lý trật tự xây dựng và với việc thực hiện cưỡng chế ngay từ đầu đã giúp huyện kéo giảm số trường hợp vi phạm. Trong năm 2017-2018 và sáu tháng đầu năm 2019, có khoảng 2.180 trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng được phát hiện nhưng đã ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu rất cao với hơn 1.590 vụ (hơn 86%).

Là một trong các huyện có vi phạm xây dựng cao, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cũng cho biết huyện đã bổ sung một số giải pháp mới, đặc biệt là quy trình phối hợp, ngăn chặn hiệu quả ngay từ đầu các công trình sai phép. “Trong vòng bảy ngày, từ lúc đội thanh tra xây dựng địa bàn lập biên bản mà chưa ban hành quyết định xử lý thì UBND huyện sẽ ban hành quyết định và áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi sai phép, nhất là nhà ba chung” - ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, huyện cũng sẽ sử dụng ảnh viễn thám kết hợp phần mềm tự động phân tích các vị trí có dấu hiệu vi phạm xây dựng để phát hiện, xử lý kịp thời các công trình vi phạm. Cùng với đó, huyện ứng dụng công nghệ, thực hiện số hóa ngay từ đầu trong tiếp nhận hồ sơ để tạo sự liên thông giữa các phòng, ban, các bộ phận và với các xã, thị trấn. Qua đó, huyện rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo thuận lợi trong công tác cấp phép xây dựng, góp phần giảm thiểu vi phạm xây dựng trên địa bàn.

Để giảm thiểu vi phạm xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết đã triển khai đề án thí điểm thành lập lực lượng trật tự xây dựng tại địa phương, chuyển đội thanh tra xây dựng địa bàn về các quận, huyện.

Trước các giải pháp mà quận, huyện, Sở Xây dựng nêu ra, ông Phan Nguyễn Như Khuê (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy) đặt câu hỏi: Nhiều giải pháp đã và đang thực hiện nhưng vì sao vi phạm vẫn diễn ra tràn lan? Ông cho rằng không chỉ “đầu nậu” cố tình vi phạm mà xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về nhà ở cao nên dẫn đến tình trạng vi phạm xây dựng. Từ đó ông đề nghị nhận diện rõ hơn các nguyên nhân, kể cả tình trạng buông lỏng quản lý để chấn chỉnh tình trạng xây dựng trái phép.

Phát biểu trong phần thảo luận, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ngành thực hiện hiệu quả, đồng bộ các biện pháp quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Theo ông Phong, bí thư các quận ủy, huyện ủy cần đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tình trạng xây dựng không phép gần đây phát triển rất nhiều nên các địa phương phải có giải pháp để ngăn chặn. “Chấn chỉnh tình trạng xây dựng không phép, sai phép rất khó khăn nhưng với quyết tâm của ngành xây dựng, quản lý đất đai, môi trường và quy hoạch, với mô hình tốt từ các quận, huyện cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị sẽ tìm được hướng giải quyết hiệu quả hơn” - ông Nhân nói.

Kiện toàn các nhân sự lãnh đạo còn thiếu

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị từ nay đến cuối năm 2019, các đơn vị của TP phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Đối với bí thư các quận ủy, huyện ủy cần rà lại các chỉ tiêu mà đại hội của địa phương đã đặt ra. Nơi nào thiếu một trong năm nội dung phải bổ sung thực hiện trong năm 2019 và năm 2020.

Đối với vấn đề giải ngân cho các dự án hạ tầng, ông Nhân cho rằng trong sáu tháng đầu năm 2019 tỉ lệ giải ngân của TP quá thấp. Từ đó ông yêu cầu các đơn vị cần rà kỹ, trả lời rõ vì sao tỉ lệ giải ngân thấp, đồng thời có giải pháp để tăng tốc các dự án cho kịp tiến độ.

Liên quan đến công tác nhân sự, ông Nhân cho biết trong sáu tháng cuối năm, TP.HCM sẽ kiện toàn các vị trí còn thiếu về cán bộ. “TP.HCM hiện còn thiếu các vị trí phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND, chánh Văn phòng UBND và chánh Thanh tra. TP.HCM cũng đã giới thiệu bổ sung năm người vào Ban Chấp hành, đang chờ Ban Bí thư, Bộ Chính trị xem xét. Dự kiến trong tháng 8 và tháng 9 sẽ bàn bổ sung một số người vào Ban Thường vụ” - ông Nhân nói.

Xây dựng không phép: Cuối năm 2019 phải giải quyết cơ bản 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị sau hội nghị, các quận, huyện rà soát, đánh giá trên địa bàn có vi phạm về trật tự xây dựng ở mức đáng kể và có nguy cơ gia tăng phải có một nghị quyết của quận, huyện về nội dung này. Sau khi có nghị quyết, các quận, huyện cần tập trung hàng đầu giải quyết vấn đề này. “Từ nay đến cuối năm giải quyết cơ bản tình trạng xây dựng không phép” - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm