Nạn chạy chọt sẽ triệt tiêu sáng tạo

Năng suất lao động (NSLĐ) thấp là một thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của Việt Nam. Nhiều chuyên gia tiếp tục lên tiếng cảnh báo điều này và cùng nhau mổ xẻ nguyên do; đưa ra các giải pháp căn cơ để giải quyết thách thức trên đối với Việt Nam tại diễn đàn NSLĐ Việt Nam năm 2014, do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 27-11.

Ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất (!)

PGS-TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và các vấn đề xã hội, cho biết NSLĐ của Việt Nam năm 2013 chỉ bằng 1/18 Singapore, 1/6,5 của Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc. Trong khu vực ASEAN, NSLĐ của Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và xấp xỉ Lào.

Nếu tính theo sở hữu, NSLĐ khu vực tư nhân thấp nhất, chỉ bằng 56% NSLĐ chung. Trong khi đó, khu vực FDI có NSLĐ cao nhất, kế đến là khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước.

Xét về góc độ ngành nghề, TS Đặng Thị Thu Hoài, Phó Trưởng ban Chính sách dịch vụ công của CIEM, cũng cho biết ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất, kế đến ngành kinh doanh bất động sản, rồi đến ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và ngành tài chính ngân hàng. Các ngành còn lại NSLĐ rất thấp. Theo bà Hoài, vấn đề tăng NSLĐ đang là một thách thức đối với Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc đo lường NSLĐ theo ngành cho thấy có một số ngành cao như khai khoáng, khí đốt, bất động sản có NSLĐ cao là một điều đáng phải suy nghĩ và cần làm rõ đấy có thực sự là giá trị gia tăng từ NSLĐ hay tính cả số nguyên vật liệu khai thác có sẵn mà ra.

Vấn đề tăng năng suất lao động đang là một thách thức đối với Việt Nam. Ảnh: Việt Dũng

"Quan hệ" và phong bì sẽ triệt tiêu sáng tạo

“Mô hình tăng trưởng của chúng ta thời gian qua dựa trên các mối quan hệ dẫn đến khai thác tài nguyên, đất đai, đốn gỗ, phá rừng, khai thác mỏ, bán quặng… Tức là nhiều trường hợp làm giàu quá dễ dàng mà không cần NSLĐ gì, ở đây chỉ có khai thác tài nguyên”. TS Doanh nói thế và cho rằng: “Chừng nào còn xảy ra câu chuyện một anh không biết gì, mang phong bì đến cho ông A, bà B để được miếng đất, được đào, chặt thế này thế khác, lãi rất nhiều so với một nhà khoa học đi thử nghiệm cái này cái kia… thì chúng ta sẽ không có động lực cho sự sáng tạo để đưa NSLĐ tăng cao” - TS Doanh cảnh báo.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cũng lưu ý: “Chúng ta đang đi tìm “địa tô” chứ không phải tìm kiếm lợi nhuận. Khi mà nền kinh tế chỉ đi tìm kiếm “địa tô” thì chắc chắn người ta không quan tâm đến NSLĐ. Kinh tế “địa tô” này dẫn đến xin-cho, chạy chọt, chia chác. Điều đó không chỉ làm mất động lực sáng tạo, đổi mới mà còn cướp đi cơ hội của người khác”. Theo ông Cung, thể chế hiện nay đang kìm hãm động lực cho sự sáng tạo.

“Phải có một xã hội sáng tạo”

Để tăng NSLĐ, TS Doanh cho rằng mô hình tăng trưởng phải đi vào thực chất khuyến khích sáng tạo, đổi mới. Bên cạnh những việc như thiết kế lại đào tạo dạy nghề gắn kết với thị trường lao động cần đặt vấn đề về câu chuyện một xã hội phát đạt.

“Xã hội muốn có NSLĐ cao phải là một xã hội sáng tạo, trọng dụng người tài, khuyến khích những ý kiến khác nhau và có một thái độ bao dung, cởi mở, đừng vội kết án những ý kiến khác. Thế giới bây giờ mỗi tháng lại xuất hiện một loại điện thoại mới mà chúng ta vẫn cứ nói mãi những điều bao năm nay luôn luôn đúng thì tôi nghĩ cần thay đổi. Nếu không thay đổi thì không khuyến khích sáng tạo để tạo được động lực cho NSLĐ cao” - TS Doanh nói. Từ đó TS Doanh đặt ra những vấn đề của thể chế là “làm sao chuyển từ xã hội mà các DN thu được lợi nhuận dựa vào các mối quan hệ sang một xã hội coi trọng hiệu quả và NSLĐ” - ông Doanh chỉ ra.

TS Nguyễn Đình Cung đúc kết: “DN hoàn toàn có thể nâng cao NSLĐ. Vấn đề là họ phải có động lực và có cách duy nhất để tạo ra động lực cho DN là tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tạo động lực cho sự sáng tạo tăng lên thì NSLĐ sẽ tăng lên”.

THU HẰNG

Nguyên do NSLĐ của Việt Nam thấp xuất phát từ cơ cấu lao động của ta bất hợp lý, tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp, chất lượng đào tạo hạn chế, lao động vừa thừa vừa thiếu kỹ năng…

PGS-TS NGUYỄN BÁ NGỌC

Các báo cáo nêu lên bức tranh rất đáng báo động tình hình NSLĐ của Việt Nam. NSLĐ quá thấp và có rất nhiều vấn đề từ chính sách, thể chế đến động lực cũng như chế tài đối với bộ máy nhà nước và người lao động.

TS LÊ ĐĂNG DOANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm