Nhà máy ở Đồng Nai xả thải, dân Bình Thuận lãnh đủ

Ngày 10-4, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai; Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận cùng các ngành liên quan đến việc các nhà máy xả thải ở Đồng Nai khiến người dân Bình Thuận khốn đốn.

 Theo văn bản trên, sau khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai có văn bản phản ảnh, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT tổ chức triển khai các nội dung mà Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị. Cụ thể, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan hai tỉnh BìnhThuận và Đồng Nai tổ chức quan trắc, thống kê, đánh giá các nguồn thải đổ vào thượng nguồn sông Giêng thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận. Kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong tháng 4-2017.

Cạnh đó, tiếp tục phối hợp với công an tỉnh, các ngành, địa phương liên quan của tỉnh Bình Thuận và các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai thực hiện quy chế phối hợp đã ký kết; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh.

Công an hai tỉnh tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn thải đổ vào sông Ui, sông Giêng tại khu vực giáp ranh; đặc biệt lưu ý vấn đề xả thải trộm. Đồng thời, lấy mẫu nước mặt tại các lưu vực sông Ui, sông Giêng để phân tích, đánh giá tìm ra nguyên nhân cá chết; có giải pháp xử lý và báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội trong tháng 4-2017.

Như Pháp Luật TP.HCMtừng có nhiều tin bài phản ảnh, Nhà máy cồn Tùng Lâm hoạt động từ năm 2008, quá trình sản xuất khoảng 500 tấn sắn thành cồn chất lượng cao mỗi ngày, Công ty phải dùng tới 6.000 m3 nước lấy từ sông Giêng và xả trở lại dòng sông toàn bộ số nước thải khoảng 2.500 m3.

Nhà máy ở Đồng Nai xả thải, dân Bình Thuận lãnh đủ ảnh 1
Ống nước xả thải, phía xa là Nhà máy cồn Tùng Lâm.

Từ khi nhà máy hoạt động, cá trên sông Giêng nằm trên địa bàn huyện Hàm Tân, Bình Thuận chết trắng sông, người dân sống ven sông tắm thì bị ngứa ngáy khó chịu.

Nghiêm trọng hơn, việc xả thải đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục ngàn người dân do đây là nguồn nước chính dẫn về  Nhà máy nước thị xã La Gi (Bình Thuận) và ảnh hưởng đến 600 cán bộ, chiến sĩ cùng hơn 5.000 phạm nhân ở Trại giam Thủ Đức (Bình Thuận).

Nhà máy ở Đồng Nai xả thải, dân Bình Thuận lãnh đủ ảnh 2
Xả thải vô tội vạ với lưu lượng lớn đã biến con mương nhỏ thành một "dòng sông" bốc mùi.

Phóng viên Pháp Luật TP.HCM từng phát hiện một đường ống xả thải chôn dưới đáy sông Giêng và sau đó còn phát hiện nhà máy này lắp một đường ống ngầm xả thải vào tỉnh Đồng Nai.

 Mới đây, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an kết hợp với PC49 Đồng Nai, PC49 Bình Thuận kiểm tra Nhà máy cồn Tùng Lâm phát hiện công ty này tự ý đắp đập ngăn sông Ui để lấy nước, gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến công tác cấp nước ở khu vực hạ lưu. Ngoài ra, Nhà máy cồn Tùng Lâm còn xả bụi, nước thải, khí thải vượt quy chuẩn cho phép. Với các hành vi này C49B đã xử phạt Công ty Tùng Lâm với tổng số tiền lên đến 400 triệu đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm