Nước đúng giá: Không dễ!

Giá nước sạch trên địa bàn TPHCM được điều chỉnh tăng từ ngày 1-3-2010, từ 2.700 đồng/m³ lên tối thiểu là 4.000 đồng/m³.

Theo quy định của UBND TP, các đối tượng là sinh viên, công nhân... thuê nhà để ở được đăng ký định mức nước và trả tiền nước theo định mức (cứ 4 người tính định mức là một hộ sử dụng, 4m3/người/tháng).

Tuy nhiên, thực tế rất ít người trong các đối tượng trên được hưởng định mức nước mà vẫn phải trả tiền nước giá cao do chủ cho thuê nhà đưa ra.

14.000 đồng/m3 !

Đi thực tế tại các khu vực có nhiều đối tượng là công nhân, sinh viên ở, khi chúng tôi hỏi về giá nước, ai cũng thở dài vì chính sách “nước đúng giá” vẫn chưa đến tay họ. Chị L.T.T ở đường Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, ngán ngẩm: “Chủ nhà nói giá nước tăng nên tính 14.000 đồng/m3.

Nhà có con nhỏ, tháng nào hai vợ chồng tiết kiệm lắm cũng hết cả trăm ngàn đồng tiền nước”. Khi chúng tôi đề cập vấn đề đăng ký định mức nước, chị T. thở dài: “Tôi có xin chủ nhà ký hợp đồng 12 tháng để dễ dàng đăng ký định mức nước nhưng họ không đồng ý. Họ nói ở tháng nào thì đóng tháng đó. Nếu không chịu thì đi mướn chỗ khác. Từ trước tới nay, tôi chưa biết đến hóa đơn tiền nước là gì. Thường đến tháng, chủ nhà đến thu tiền”. Cũng theo chị T., cách chỗ chị trọ chỉ mấy căn, chủ nhà khác tính giá nước đến 17.000 đồng/m3.

Anh V.T.K, sinh viên Trường Đại học Bách khoa, hiện đang ở trọ tại đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân, cho biết trước đây bà chủ nhà lấy giá 10.000 đồng/m3 nước. Sau đó tăng lên 12.000 đồng/m3 với lý do hao hụt. Anh K. thở dài: “Không biết mai mốt còn tăng bao nhiêu nữa”.

Nước đúng giá: Không dễ! ảnh 1

Nhiều người thuê nhà để ở hiện phải trả tiền nước sinh hoạt giá cao (ảnh chụp tại một khu nhà trọ ở phường 6, quận 8-TPHCM). Ảnh: Nga My

Cũng theo anh K., từ khi đến đây trọ, anh chưa bao giờ nghe nói đến việc đăng ký định mức nước. “Đóng tiền nhà theo từng tháng chứ không hợp đồng gì. Còn nước dùng bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu”- anh K. nói.

Không chịu nổi cảnh giá nước cao chót vót, anh N.V.S, trọ tại đường Phú Thọ Hòa, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, bức xúc: “Chủ trọ viện lý do Nhà nước tăng giá nước sinh hoạt nên liên tục tăng giá nước từ 10.000-15.000 đồng/m3. Tôi là sinh viên mà xài nước giá đó đâu kham nổi nên phải chuyển chỗ luôn!”.

Hiện nhiều chủ nhà trọ không làm hợp đồng thuê nhà với người ở trọ vì nhiều lý do như bất tiện, sợ phải đóng thêm thuế... Do đó, người ở trọ ở tháng nào đóng tiền tháng đó chứ ít ai  nhìn thấy bản hợp đồng thuê nhà.

Chị N.T.N.L, chủ một nhà trọ ở quận Tân Bình, cho biết: “Tôi cũng muốn đăng ký định mức nước cho người ở trọ  nhưng lên phường họ hỏi đủ thứ về hợp đồng mà từ trước đến giờ tôi không làm nên rất ngại. Thôi đành tăng thêm chút đỉnh tiền nước”. Trái với trường hợp ngại khó của chị L., một số chủ nhà trọ khác khi đem hợp đồng đi công chứng thì bị trả về do nhà chưa có chủ quyền.  

Sẽ điều chỉnh

Ông Lê Hữu Quang, Trưởng Phòng Hợp tác phát triển kinh doanh của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), cho biết: SAWACO luôn mong muốn người dân được sử dụng nước với giá hợp lý nhất, nhưng giá nước có nhiều mức, nếu kiểm soát không kỹ đôi khi lại không đến tay người ở trọ.

Để đăng ký định mức nước cần các giấy tờ sau: Bản sao hợp đồng thuê nhà thời hạn 12 tháng trở lên có công chứng hoặc có xác nhận của chính quyền địa phương, bản sao sổ đăng ký lưu trú hoặc giấy xác nhận lưu trú của công an phường-xã, bản sao hóa đơn tiền nước của nơi muốn đăng ký định mức. Khách hàng mang tất cả giấy tờ trên đến nộp tại đơn vị cấp nước quản lý địa bàn để làm thủ tục.

Thực tế có trường hợp giá nước bán cho chủ nhà trọ thì thấp nhưng chủ trọ lại bán cho người ở trọ với giá cao. Do đó, phải có những điều kiện như buộc người ở trọ phải có hợp đồng thuê nhà trên 12 tháng với chủ trọ, hợp đồng này có xác nhận của địa phương là đủ điều kiện để hưởng định mức nước. Về việc này cũng rất cần địa phương hỗ trợ người dân.

Theo ông Lý Chung Dân, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, nếu người dân làm thủ tục đăng ký định mức nước cho người ở trọ gặp khó khăn thì sẽ xem xét điều chỉnh. SAWACO sẽ yêu cầu bộ phận kinh doanh thống kê những vướng mắc mà người dân gặp phải để tìm cách gỡ.

Tuy nhiên, theo ông Dân, công ty đã yêu cầu các đơn vị cấp nước tùy từng trường hợp cụ thể mà giải quyết, chứ không cứng nhắc, máy móc. Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện các công ty cấp nước vẫn thực hiện theo quy định chung, trường hợp nào không có hợp đồng cho thuê nhà từ 12 tháng trở lên đều bị trả hồ sơ về.

Đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức cho biết việc buộc người dân công chứng hợp đồng cho thuê nhà trọ khiến người dân gặp không ít khó khăn, nhưng để cân bằng quyền lợi giữa người dân và đơn vị cấp nước thì vẫn cần điều kiện này!

Theo THU HỒNG - NGA MY  (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm