Chúng tôi đến một số con đường đã được bê tông hóa mới tinh ở khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM vào những ngày giữa tháng 12, chứng kiến nhiều người dân đi dạo, tưới hoa, cười nói rộn ràng cả một vùng.
Người dân cho biết để có những con đường khang trang sạch đẹp như hôm nay, ông Nguyễn Hữu Linh (47 tuổi, trưởng khu phố 3) cùng mặt trận, đoàn thể khu phố đã đi vận động người dân đồng lòng hiến đất, góp sức làm đường, biến đường nông thôn thành các dải bê tông với nhiều mảng xanh, chạy dọc qua từng khu dân cư...
Ông Linh được tuyên dương là cán bộ dân vận tiêu biểu của TP.HCM giai đoạn 2016-2020.
Ông Nguyễn Hữu Linh, Trưởng khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, trò chuyện với bà Trần Thị Ánh - một người dân hiến hàng chục mét vuông đất làm đường. Ảnh: LÊ THOA
Khu phố để dân giữ tiền làm đường
Khởi động tinh thần bê tông hóa các tuyến đường, tuyến hẻm theo chỉ đạo của Đảng ủy và UBND thị trấn Tân Túc, từ năm 2014 đến nay, mỗi năm ông Nguyễn Hữu Linh đều vận động người dân trong khu phố hiến đất, góp tiền làm đường.
Tính đến nay, người dân khu phố 3 đã hiến gần 10.000 m2 đất với rất nhiều tuyến đường, tuyến hẻm lớn nhỏ được mở rộng, đổ bê tông… giúp cho việc đi lại được thuận tiện hơn.
Đã nhiều năm qua nhưng ông Linh vẫn nhớ rõ từng tuyến đường lớn được bê tông hóa. Những cái tên như đường Cầu Miễu, Thiên Giang, Đại Hưng, Liên Tổ 14-15, đường Trạm Y Tế, đường Tổ 13, đường Tổ 6… cùng số tiền, số đất dân hiến được ông Linh đọc lên vanh vách, chứa đựng tâm huyết của cả người dân và cán bộ khu phố.
Ông Nguyễn Hữu Linh cho biết để làm được điều đó thì mọi việc phải đảm bảo được tính dân chủ, sự công khai và minh bạch. Cụ thể, ông mở các cuộc họp với dân, triển khai việc mở rộng từng tuyến đường; nói cụ thể số mét vuông đất cần dân hiến, số tiền làm đường, thời gian thực hiện một cách rõ ràng, quyết liệt… Sau đó sẽ để bà con bầu ra hai người dân có uy tín đại diện để cùng cán bộ khu phố đi vận động, giám sát, thực hiện cả quá trình làm đường.
“Khu phố để hai người đại diện này giữ và quản lý số tiền người dân đóng góp làm đường, ghi sổ sách thu chi. Ngay cả việc thuê xe chở đá, xe ủi, đổ bê tông cũng do người dân trực tiếp thực hiện” - ông Linh nói thêm.
Sau khi các tuyến đường được làm xong, khu phố sẽ họp dân để công khai việc thu chi, quá trình thực hiện rồi bàn giao lại tuyến đường cho người dân thụ hưởng, “chăm sóc” con đường mà mình đã bỏ tiền, bỏ công ra làm.
Ông Linh nhớ lại tuyến đường đầu tiên người dân khu phố xắn tay áo cùng thực hiện với vô vàn khó khăn. Công tác vận động dân hiến đất, góp tiền cũng không hề dễ dàng. Ông kể khi vận động người dân phải kiên trì, nhiều lúc phải đi đêm đi hôm mới có người dân ở nhà. Đến nhà cũng phải tìm người trí thức nhất trong gia đình để thuyết phục. Ai đồng ý đều cho ký vào biên bản, mang biên bản theo để tiếp tục thuyết phục các hộ dân khác…
“Có người dân đồng thuận với chủ trương nhưng không đủ tiền đóng góp. Thấy vậy, trong cuộc họp ở khu phố tôi cho hộ đó đứng lên trình bày khó khăn, thế là có hộ khác khá giả hơn tình nguyện đóng bù phần tiền còn thiếu” - ông Linh kể.
80% các con đường đã được bê tông Hiểu được mong muốn bê tông hóa đường nông thôn của bà con, tôi đã lên danh sách, ấp ủ “lên đời” từng con hẻm nhỏ. Ngay cả dọc những con kênh tôi cũng vận động đắp đất mở rộng, chờ ngày đủ điều kiện để đổ bê tông. Đến nay khu phố 3 đã bê tông hóa gần 80% các con đường, để mỗi khi xuân về, người dân lại được đi trên các tuyến đường sạch đẹp, khang trang hơn. Ông NGUYỄN HỮU LINH, trưởng khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh |
Mỗi chiều người dân đi dạo trên đường Cầu Miễu vừa được bê tông hoá khang trang. Ảnh: LÊ THOA
Dân bỏ công sức ra đắp đường, trộn bê tông
Ở khu phố 3, nhiều tuyến đường để được bê tông hóa khang trang phải mất 1-2 năm, trải qua nhiều giai đoạn từ đắp đất, đổ đá xanh đến làm bê tông… Người dân kể tất cả tuyến đường này vốn dĩ chỉ rộng chừng hơn 1 m, sau đó được mở rộng ra 3-5 m, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của khu phố nhỏ.
Ông Nguyễn Hữu Linh cho biết người dân ở đây tuy cuộc sống còn khó khăn, nhiều hộ làm mướn, bán vé số, xe ôm, việc góp tiền phải chia thành nhiều đợt nhưng mong muốn những con đường khang trang của bà con là rất lớn.
Với tinh thần ấy, khi có chủ trương làm đường, ngoài hiến đất, góp tiền, người dân còn trực tiếp bỏ công sức ra thực hiện. Nhiều phụ nữ lớn tuổi cũng xắn tay áo cùng đi đắp đất, bê đá, trộn bê tông; dân quân cũng cùng lao động với bà con…, không khí làm đường rộn ràng như trẩy hội.
Rồi khi hoàn thành, cán bộ khu phố còn vận động người dân trồng hoa, cỏ hai bên đường. Bà con bàn với nhau trồng hoa gì, xen kẽ ra sao, mỗi chiều lại thay phiên nhau tưới nước, quét đường như đang chăm sóc chính khoảnh sân của gia đình mình vậy.
“Chúng tôi để người dân tự quyết định tất cả vấn đề liên quan đến con đường họ đi mỗi ngày. Cán bộ khu phố chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ, đồng hành cùng bà con. Cứ thế, mỗi tuyến đường hoàn thành được người dân chia sẻ với nhau, giúp cho quá trình vận động sau này thuận lợi hơn” - ông Linh nói.
Hiến đất làm đường thì có gì mà lăn tăn Lúc mở rộng đường Cầu Miễu này, nhà tôi đã hiến mấy chục mét vuông đất, hàng rào cũng đập bỏ để xây lại, ghế đá cũng phải dời vào trong… nhưng hiến đất để làm một con đường mới sạch đẹp thì có gì mà phải lăn tăn hay suy nghĩ. Mỗi người cống hiến một chút cũng là để làm đẹp cho chính con đường mình đi hằng ngày. Còn nhớ hồi trước con đường này chỉ rộng khoảng 1,5 m, mưa xuống là lầy lội không đi được, trẻ con đi học sơ sẩy là té. Bây giờ thì bê tông xong rồi, trồng hoa nở cả bốn mùa, ô tô cũng đi được thoải mái. Chiều chiều mọi người còn ra đây cùng trò chuyện, cùng tập thể dục. Cứ 2-3 ngày tôi lại mang chổi ra quét đường cho sạch, các chị em khác cũng thay nhau tưới nước cho hoa. Con trai tôi còn đăng ảnh lên mạng xã hội, được nhiều người khen đường đẹp mà vui lắm! Bà TRẦN THỊ ÁNH (57 tuổi, người dân khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) |