Phố cổ Hội An: Thiếu kinh phí, mối mọt hoành hành

Tuy nhiên, việc phòng chống mối, mọt cho các cấu kiện gỗ chưa được quan tâm đúng mức nên một số di tích sau khi tu bổ chỉ 2-3 năm đã bị mối mọt tiếp tục phá hoại như các nhà 9 và 33 Nguyễn Thái Học...

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, cho biết: Phương pháp đào xung quanh móng di tích, đổ hóa chất diệt mối rồi lấp đất tỏ ra không phù hợp do gây ô nhiễm nguồn nước. Do vậy, trong hai năm 2007-2008, Cục Di sản (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch - VH-TT&DL) đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng để thí điểm chống mối, mọt theo công nghệ sinh học không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người tại hai ô phố của Hội An và thu được kết quả khả quan.

Tháng 9-2010, Bộ VH-TT&DL có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai chương trình bằng kinh phí của địa phương, Bộ chỉ hỗ trợ một phần. Theo ông Nguyễn Đức Minh, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở VH-TT&DL lập đề án trình Bộ VH-TT&DL có ý kiến trước khi tỉnh phê duyệt nhưng tiến độ lập đề án quá chậm. “Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An, đã chính thức đề nghị lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam giao cho Hội An triển khai, báo cáo tỉnh thay cho Sở. Nếu được giao thì Hội An đã làm rồi nhưng Sở cứ bảo để nghiên cứu đã, không biết đến bao giờ mới xong” - ông Minh nói.

Về việc này, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, giải thích: Đề án chống mối, mọt cho di tích ở Hội An sẽ được triển khai trong năm 2011. Sở sẽ giao cho TP Hội An thực hiện công việc này nhưng chưa có văn bản cụ thể vì đang làm kế hoạch cho năm tới. Tuy nhiên, theo ông Hài, vướng mắc lớn nhất là thiếu kinh phí. “Bộ cho bao nhiêu thì làm bấy nhiêu” - ông Hài nói.

HẢI ĐĂNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm