Quảng Bình đã tiêu hủy hết cá nhiễm độc trong kho

Ngày 15-12, bộ trưởng-chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương đã có chuyến thị sát việc hỗ trợ bồi thường thiệt hại, ổn định cuộc sống cho người dân, tiến độ giải quyết các lô hàng hải sản trong sự cố môi trường biển do Formosa thu mua tạm trữ đang tồn kho trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết việc bồi thường thiệt hại, tỉnh đã nhận 1.100 tỉ đồng (50% giá trị thống kê thiệt hại) từ tiền bồi thường của Formosa qua kênh Bộ Tài chính.

Tỉnh đã phân bổ về các huyện gồm Quảng Trạch hơn 230 tỉ đồng, thị xã Ba Đồn hơn 207 tỉ đồng, Bố Trạch hơn 299 tỉ đồng, TP Đồng Hới hơn 141 tỉ đồng, huyện Quảng Ninh hơn 116 tỉ đồng, huyện Lệ Thủy hơn 104 tỉ đồng. Công tác bồi thường cho người dân hiện vẫn diễn ra đúng quy trình và tiến độ.

Thị sát các công ty thu mua hải sản, tại cơ sở Phước Sang (Đức Trạch, Bố Trạch), được biết tỉnh Quảng Bình có 33 kho đông lạnh của các doanh nghiệp tạm trữ hơn 3.200 tấn hải sản.

Đến nay tỉnh Quảng Bình đã kiểm định, tiêu hủy hết toàn bộ 606 tấn hải sản không đảm bảo chất lượng. Hơn 2.500 tấn hải sản còn lại đang tạm trữ đều được kiểm định và được Bộ Y tế đánh giá an toàn.

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiếm tra cơ sở thu mua cá tại Quảng Bình.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định tổ công tác đặc biệt quan tâm việc giải quyết hàng hải sản tồn đọng trên địa bàn bốn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, từng bước giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp thu mua hải sản, góp phần khôi phục đánh bắt hải sản.

Phát biểu trước tổ công tác của Thủ tướng, bà Lê Thị Lệ, chủ cơ sở đông lạnh Phước Sang (Đức Trạch, Bố Trạch), cho biết: “Trong kho có hơn 90 tấn cá không đảm bảo an toàn đã được xét nghiệm lấy mẫu, chuyển cho các cơ quan chức năng. Lo nhất là lượng cá an toàn còn tồn kho tốn mỗi tháng hơn 70 triệu tiền điện, trả lương cho hàng chục nhân công. Hiện cơ sở đã nhận đền bù hơn 3 tỉ đồng nhưng vay nợ thời gian qua đến 13 tỉ đồng, chưa kể tổn thất các chi phí khác”.

Tại kho đông lạnh của Công ty TNHH Đức Hiếu (Đồng Hới), việc tiêu hủy hơn 160 tấn hải sản không an toàn cũng được thực hiện khẩn trương.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu, băn khoăn: “Chúng tôi rất mừng nhưng mà cũng lo. Lo ở chỗ thời gian bao lâu, giá cả như thế nào, mong muốn sau khi tiêu hủy các cấp, các ngành tạo điều kiện trả lại đồng vốn cho doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh để có hàng sạch”.

Theo Bộ trưởng Dũng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định chi trả việc bồi thường 100% đối với hải sản đưa đi tiêu hủy, hải sản tồn kho được hỗ trợ 30%.

Tổ công tác của Thủ tướng cùng cán bộ các bộ, ban ngành cũng vào kho đông lạnh được bảo quản theo quy trình xuất khẩu với độ âm 20 độ, tận mắt chứng kiến ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, khẳng định hàng hóa các doanh nghiệp tạm trữ ở tỉnh Quảng Bình đều được kiểm định và đảm bảo tiêu dùng.

Ông Long cho biết: “Thực tế vào kiểm tra, những lô đó cho thấy còn rất tươi, đảm bảo ăn được, không có vấn đề gì".

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đưa ra cơ chế hỗ trợ cho các loại hải sản đã tiêu hủy và hải sản an toàn, thực hiện nhiều giải pháp tiêu thụ hải sản.

"Hiện nay chúng tôi đã phối hợp với các doanh nghiệp lớn về phân phối như Saigon Co.op, Metro, BigC và các sở Công Thương trên địa bàn toàn quốc để giúp cho việc tiêu thụ các sản phẩm đã được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn" - ông Hải nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm