Sẽ bỏ quy định ưu tiên cho cán bộ cao cấp khi xử lý TNGT

Sáng 31-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Trần Thế Quân – Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết như trên.

Theo đó, sau khi công bố dự thảo thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai TNGT đường bộ của CSGT và nhận được nhiều ý kiến đóng góp, Bộ Công an dự kiến sẽ thay đổi một số quy định trong dự thảo thông tư này, trong đó có quy định về ưu tiên cán bộ cao cấp khi xử lý TNGT.

“Cụ thể, Bộ Công an đang dự kiến sẽ thay đổi theo hướng không chỉ ưu tiên cho xe cán bộ cao cấp mà sẽ mở rộng với tất cả người dân, khi xảy ra tai nạn mà phương tiện giao thông vẫn đảm bảo thì sẽ được giải quyết cho lưu thông tiếp” - Thiếu tướng Trần Thế Quân thông tin.

CSGT xử lý một xe biển xanh vi phạm giao thông.

Vị phó cục trưởng cũng cho biết thêm, dự thảo thông tư này chỉ điều chỉnh về những va chạm giao thông trên đường ở mức nhẹ, còn tai nạn tới mức nghiêm trọng, gây chết người hoặc có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển sang cho cảnh sát điều tra.

Nếu phương tiện giao thông vẫn đảm bảo và việc lưu thông không gây nguy hiểm thì CSGT khám nghiệm hiện trường, lập biên bản rồi cho đi, trường hợp cần phải điều tra thêm thì mới giữ lại. Đối với cán bộ cấp cao cũng giải quyết tương tự, nếu xe của cán bộ cao cấp gây tai nạn, trước khi được đi tiếp cũng phải lập và ký biên bản đầy đủ.

Trước đó, Bộ Công an đã công bố dự thảo thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ của CSGT. Một trong những quy định nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận là việc giải quyết TNGT liên quan đến cán bộ cao cấp.

Cụ thể, nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tiếp tục lưu thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi; định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.

Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện lưu thông thì phải giải quyết cho cán bộ cao cấp đó đến nơi theo yêu cầu của cán bộ đó. Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện thì trước khi giải quyết cho đi phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có) và yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản; định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm