CSGT có quyền trưng dụng xe, tài sản...

“Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT thay thế Thông tư 65/2012 từ ngày 15-2 không có thay đổi lớn. Thông tư 01 được quy định gọn lại, cô đọng hơn và bổ sung thêm một số điểm để phù hợp sau khi Cục CSGT đường bộ - đường sắt và Cục CSGT đường thủy hợp nhất thành Cục CSGT”.

Ngày 29-1, Trung tá Nguyễn Quang Nhật (ảnh), Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật - Cục CSGT (Bộ Công an) nói với Pháp Luật TP.HCM như trên.

Không tăng quyền cho CSGT

. Phóng viên:Thông tư 01 bổ sung quy định cho phép CSGT “xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác”. Các lĩnh vực khác là lĩnh vực nào và phải chăng quy định mới thêm quyền cho CSGT?

+ Trung tá Nguyễn Quang Nhật: Thông tư mới quy định thêm như vậy là phù hợp với quy định về xử phạt hành chính. Theo đó, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh. Vì vậy, không chỉ CSGT mà các lực lượng chức năng khác đều có quyền này.

Tuy nhiên, việc xử lý có thể chỉ dừng ở chỗ ghi nhận vi phạm hoặc áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn hành vi gây hậu quả nghiêm trọng và bảo đảm an ninh trật tự.

Tất cả trường hợp xử lý như vậy đều phải lập biên bản để ghi nhận hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Sau khi lập biên bản, CSGT sẽ bàn giao cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý tiếp.

Thực tế, những trường hợp như vậy là khá hi hữu, khi không gọi được lực lượng chuyên ngành lập tức tới. Vì vậy, tôi khẳng định quy định như vậy là phù hợp, vẫn đảm bảo chức năng, quyền hạn và không tăng quyền cho CSGT.

. Nhiều ý kiến lo ngại nêu CSGT được dừng xe trong năm trường hợp là nhiều, có thể dẫn tới lạm quyền và gây phiền hà cho người dân. Vấn đề này được giải thích như thế nào, thưa ông?

+ Các trường hợp CSGT được dừng xe theo Thông tư 01 vẫn không thay đổi so với thông tư cũ. Tuy nhiên, khi dừng xe theo đề nghị của cơ quan điều tra, cơ quan liên quan thì quy định mới bổ sung “văn bản đề nghị phải ghi rõ thời gian, tuyến đường và phương tiện dừng”.

Những ý kiến cho rằng CSGT có thể lạm quyền là không có căn cứ. Nhiệm vụ của CSGT là đảm bảo an toàn, trật tự giao thông. CSGT phải thực hiện nhiều biện pháp, công tác khác nhau như tuyên truyền vận động, tuần tra - kiểm soát, quản lý phương tiện và xử lý vi phạm… để thực hiện nhiệm vụ này. Như vậy, nếu CSGT không kiểm tra, kiểm soát phương tiện và xử lý vi phạm thì kiểm tra cái gì?

Xin nói thêm, CSGT ngoài việc phát hiện vi phạm và dừng phương tiện thì còn thực hiện các mệnh lệnh của cấp trên. Ví dụ như kế hoạch tổng kiểm soát xe khách trong dịp tết. Lúc này, dù xe có vi phạm hay không thì CSGT cũng phải dừng để kiểm tra.

CSGT Hà Nội xử phạt người vi phạm giao thông. Ảnh: TUYẾN PHAN

Trưng dụng xe gây hư hỏng phải bồi thường

. Theo Thông tư 01, CSGT được trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị kỹ thuật số như máy quay phim, chụp ảnh hay điện thoại… Vậy CSGT được trưng dụng trong các tình huống nào?

+ Tại khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân đã quy định công an có quyền huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện theo quy định.

Cụ thể, các trường hợp được trưng dụng là các tình huống cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Ví dụ trường hợp CSGT Đội 5 ở Hà Nội bị kéo lê thì CSGT có quyền trưng dụng phương tiện để truy đuổi tài xế.

. Nếu người dân không chấp hành thì có bị coi là chống người thi hành công vụ? Ngoài ra, khi trưng dụng làm hư hỏng tài sản của người dân thì họ có được bồi thường không, thưa ông?

+ Người có phương tiện bị trưng dụng không chấp hành thì căn cứ vào hậu quả, tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Ví dụ trong tình huống khẩn cấp cần truy đuổi tội phạm ma túy, công an trưng dụng xe nhưng chủ không đồng ý thì bị cưỡng chế, thậm chí cố tình cản trở thì có thể bị bắt.

Khi trưng dụng, cảnh sát phải nói rõ mục đích và đề nghị người dân hợp tác. Đơn vị nào trưng dụng thì phải trả lại cho người dân. Khi phương tiện bị hư hỏng do việc trưng dụng gây ra thì đơn vị trưng dụng sẽ phải bồi thường.

. Người dân có quyền giám sát CSGT thông qua việc quay phim, chụp ảnh nhưng nếu CSGT vin vào quyền trưng dụng để xóa dữ liệu, chứng cứ tiêu cực thì sao, thưa ông?

+ Quy định đã nêu rất rõ. CSGT được quyền trưng dụng trong các trường hợp cấp bách nhưng nếu trưng dụng không  đúng thì sẽ bị xử lý nghiêm.

. Hiện chiếc điện thoại không chỉ là phương tiện liên lạc mà còn chứa nhiều thông tin cá nhân như email, ảnh… Vậy nếu CSGT trưng dụng điện thoại thì có vi phạm quyền nhân thân?

+ Đây là tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật nên sẽ không bị xử lý. Để tránh những nguy cơ thiệt hại cho Nhà nước, cho xã hội thì không thể tránh việc gây thiệt hại nhỏ để phòng ngừa. Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, nếu việc trưng dụng làm hư hỏng tài sản thì người dân sẽ được bồi thường.

. Xin cám ơn ông.

Bảo hiểm sẽ bồi thường nếu xe bị trưng dụng hư hỏng

Theo ông Lê Hồng Hưng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách giám định, bồi thường, pháp chế và điều tra của Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông, công ty bảo hiểm vẫn sẽ chi trả bảo hiểm khi xe của khách hàng bị thiệt hại do cơ quan nhà nước trưng dụng. “Nguyên tắc bảo hiểm là có tai nạn xảy ra trên thực tế, người điều khiển xe không có rượu bia, sử dụng xe đúng pháp luật nếu xảy ra thiệt hại sẽ được bồi thường. Việc sử dụng xe khi trưng dụng được xem là sử dụng đúng pháp luật, kể cả xe này đi vào đường cấm để thực hiện nhiệm vụ cũng là thực hiện đúng pháp luật” - ông Hưng nói.

Như vậy, về lý thì phải chi trả bảo hiểm. Xét về tình, về đạo đức thì công ty càng nên bảo hiểm. Bởi lẽ việc trưng dụng tài sản cá nhân để thực hiện công vụ quan trọng hơn, có thể cứu được nhiều người, nhiều tài sản khác hơn, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nếu bảo hiểm không chi trả thì có khả năng khách hàng sẽ gây trở ngại, không cho trưng dụng dẫn đến công vụ nhà nước không thuận lợi.

Tuy vậy, đơn vị trưng dụng phải có nghĩa vụ khi tài sản hư hỏng. “Chúng tôi chưa phải chi trả bảo hiểm cho một trường hợp nào do trưng dụng gây thiệt hại. Nhưng nếu có, công ty bảo hiểm chi trả bảo hiểm cho chủ xe trước. Sau đó công ty bảo hiểm căn cứ vào tình hình, tính chất của việc trưng dụng mà yêu cầu cơ quan trưng dụng chi trả lại hoặc hỗ trợ khoản bảo hiểm này” - ông Hưng nói.

Tương tự, ông Phạm Trường Khánh, Giám đốc marketing của Công ty Bảo hiểm Liberty, cũng khẳng định công ty sẽ chi trả bảo hiểm nếu ô tô cá nhân bị thiệt hại, tai nạn, hư hỏng từ việc Nhà nước trưng dụng.

Theo nguyên tắc chung trên thế giới là cứ có thiệt hại thì công ty bảo hiểm chi trả cho khách hàng rồi sau đấy làm việc với bên thứ ba, bên thứ tư để làm rõ hơn trách nhiệm của các bên. Công ty bảo hiểm không được mang bên thứ ba, thứ tư ra để từ chối bảo hiểm. Trưng dụng tài sản vào công vụ thì không phải là trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm nên khách hàng vẫn được bảo hiểm.

Q.NHƯ ghi

Lợi dụng quyền hạn sẽ bị xử lý

Thông thường việc trưng dụng cần có biên bản, song trong một số trường hợp khẩn cấp, truy đuổi theo dấu vết nóng thì có thể ghi nhận tạm thời rồi giải quyết sau.

Dù vậy, CSGT phải xưng họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, trình bày mục đích và đề nghị chủ phương tiện hợp tác, giúp hoàn thành nhiệm vụ. Các trường hợp giả mạo CSGT lợi dụng quyền hạn này thì sẽ bị xử lý hình sự.

Trung tá NGUYỄN QUANG NHẬT

Không mấy khi trưng dụng tài sản

Công an tỉnh đã triển khai thông tư mới đến công an các địa phương. Riêng việc CSGT được trưng dụng trong trường hợp cần thiết, khẩn cấp đã được quy định từ trước. Đây không phải điểm mới. Trên thực tế, chúng tôi không mấy khi trưng dụng phương tiện của người dân trong khi làm nhiệm vụ.

Bởi hiện nay phương tiện được trang bị cho lực lượng CSGT đã đầy đủ, đáp ứng được với các tình huống như tai nạn, thiên tai, sự cố. Trong một số trường hợp khi gặp tai nạn, CSGT có đề nghị các phương tiện hỗ trợ đưa người bị nạn đi cấp cứu và người dân đều rất sẵn sàng.

Đại tá NGUYỄN VĂN NINH, Trưởng phòng PC67 CSGT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

KHÁNH LY ghi

Người dân không được xem kế hoạch

. Thưa ông, người dân có được yêu cầu xem kế hoạch, chuyên đề của CSGT không?

+ Khi dừng xe, CSGT phải thông báo lỗi vi phạm. Người dân có quyền hỏi mình bị lỗi gì và chứng minh mình không vi phạm. Họ còn có quyền khiếu nại, khiếu kiện nếu không đồng ý với quyết định xử phạt.

Kế hoạch, chuyên đề thuộc chức năng và nhiệm vụ của CSGT. Việc kiểm tra thuộc công tác kiểm tra, giám sát của công an nhân dân, không thuộc chức trách của người dân.

Người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện nhưng không có quyền đòi xem kế hoạch, văn bản của CSGT. Bởi vì pháp luật về hành chính là mệnh lệnh, là điều hành và chấp hành.

Trung tá NGUYỄN QUANG NHẬT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm