Cần giải pháp phù hợp với mục tiêu mới

Trước sự bùng phát của chủng Delta, mục tiêu lớn nhất của cuộc chiến chống dịch ở giai đoạn mới là giảm thiểu tử vong. Tuy nhiên việc vận hành và các giải pháp cần được đánh giá đúng trên các dữ kiện mới.

Về y tế: Mô hình điều trị tháp năm tầng và chức năng điều trị Covid mà Bộ Y tế đưa ra có vẻ như không tận dụng được hết năng lực của các bệnh viện, thay đổi môi trường và quy trình xử lý công việc của y bác sĩ. Người dân có các bệnh khác khi trở nặng khó có cơ hội tiếp cận y tế để cứu chữa. Bệnh nhân nhiễm Covid cũng khó tiếp cận nhanh chóng nơi điều trị hoặc chuyển tuyến. Trong khi đó cơ sở vật chất, giường bệnh ở các khoa của bệnh viện còn trống nhưng không được khai thác còn khoa cấp cứu bị nghẽn vì quá đông bệnh nhân ùn ứ do không được nhập viện vào khoa điều trị hoặc chuyển tuyến. Y tế phường xã và BV, phòng khám tư không phát huy được vai trò điều trị COVID.

Về kiểm soát di chuyển nội thị: Sau những giấy tờ xác nhận của phường gây ùn ứ tại Hà Nội, mấy ngày qua việc áp dụng phần mền khai báo của Bộ Công an đã gây kẹt cứng tại các chốt liên quận ở TP.HCM. Với mật độ tiếp xúc như thế, với khả năng của biến chủng Delta, khả năng người điều khiển phương tiện lây nhiễm cho nhau và lây nhiễm cho lực lượng cán bộ, chiến sĩ nhiệm vụ tại chốt là rất lớn. Đặc biệt, ưu điểm của phần mềm này là khả năng quản lý truy vết, tuy nhiên với sự lây nhiễm hiện nay, mục tiêu giảm tử vong quan trọng hơn việc đếm F0, thì việc áp dụng một phần mềm như thế gây ùn ứ và tăng nguy cơ lây nhiễm diện rộng có lẽ cần được cân nhắc. May là vấn đề này đã được nhìn thấy ra, đến chiều ngày 15-8, TP.HCM đã ngưng kiểm tra di biến động dân cư ở các chốt liên quận mà chỉ áp dụng cho các chốt ở cửa ngõ TP. Trước đó, trả lời trên Vnexpress trưa cùng ngày, Cục phó C06, Bộ Công An, Đại tá Phùng Đức Thắng, cho hay không bắt buộc phải khai báo y tế bằng phần mềm của Bộ công an.

Về an sinh và di chuyển liên tỉnh: Cho tới 15-9, thời điểm mà chính phủ và TP.HCM hạ quyết tâm kiểm soát cơ bản dịch tại TP, việc siết chặt tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16 là cần thiết và đóng vai trò quan trọng đặc biệt vào thành công của mục tiêu này. Tuy nhiên sau nhiều tháng giãn cách, một bộ phận người dân đã rất khó khăn. Người nghèo, công nhân và lao động tạm trú đã cạn nguồn sống. Điều này sẽ khiến TP vất vả hơn trong việc an sinh để đảm bảo giãn cách xã hội.

Lãnh đạo Quận ủy, UBND quận Bình Tân xuống hiện trường để vận động người dân rời TP.HCM về quê quay trở lại. Ảnh: NGUYỄN TÂN 

Hôm nay, trên QL1A hàng ngàn người từ Hóc Môn, Quận 12, Quận Bình Tân và Tp. Thủ Đức đã lên đường về quê và bị chặn lại ở các chốt kiểm soát. Họ cho biết ở lại sẽ gặp nhiều khó khăn nên quay về.

Nếu để họ quay về quê, các địa phương sẽ gặp áp lực rất lớn trong phân loại và cách ly tập trung. Chưa kể nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Ngày 31-7 vừa qua có 2000 công nhân từ Đồng Nai về Ninh Thuận một cách tự phát đã khiến Ninh Thuận tăng thêm 400 F0. Nếu lượng người hôm nay mà đổ về, các địa phương sẽ không thể nào kiểm soát nổi.

Để giữ họ ở lại, TP.HCM đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, quan trọng và trước mắt là triển khai nhanh hoạt động của các trung tâm cấp phát hàng thiết yếu và không bỏ sót người khó khăn. Lãnh đạo chính quyền và cán bộ cơ sở lại tiếp tục căng mình.

Lúc này, cần nhất sự chung tay của mỗi người dân và sự vận dụng phù hợp các giải pháp của chính quyền và các lực lượng. Khi đồng lòng và hợp lý thì dịch mới có thể được kiểm soát tốt!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm